Tôi và bạn trai cũ sống chung như vợ chồng gần một năm nay. Sau khi tôi phát hiện mình có thai được năm tháng thì cả hai xảy ra mâu thuẫn, bạn trai cũ bỏ đi. Tôi xác định làm mẹ đơn thân, tự nuôi con nhưng không muốn khai sinh của con mình sau này để trống tên cha. Tôi có một người bạn thân là nam, người này sẵn sàng đứng ra nhận làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ để giấy khai sinh của con tôi được có tên cha.
Cho tôi hỏi, trường hợp của tôi có được nhờ người khác đứng tên làm cha của con trong giấy khai sinh không?
Bạn đọc TD (TP.HCM)
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tại khoản 2 Điều 26 BLDS năm 2015 quy định họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Nghị định 123/2015 cũng quy định họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán.
Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống.
Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định.
Như vậy, đối với trường hợp bạn chưa đăng ký kết hôn và cha đẻ của cháu bé cũng không nhận con thì bạn chỉ có thể khai họ cho con theo họ của bạn, phần ghi về người cha bỏ trống. Đồng thời, bạn cũng không thể nhờ một người khác đứng tên làm cha đứa trẻ trong khi người này không phải là cha đẻ.