LTS: Thời gian gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được phản ánh từ người dân về một nhóm hoạt động tôn giáo trái phép mang tên “Trừ quỷ Bảo Lộc” với khả năng chữa bách bệnh do Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Chu Truyền (cùng ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức. Chúng tôi đã vào cuộc để tìm hiểu thực hư hoạt động của nhóm người này.
Nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” do ông Nguyễn Chu Truyền và Nguyễn Thị Thương làm nòng cốt. Trong đó, ông Nguyễn Chu Truyền là linh mục từng làm quản hạt, quản xứ Bảo Lộc nhưng thường xuyên gieo rắc lời lẽ, hành vi trái với giáo lý, giáo luật, đi ngược đạo lý, gây phản ứng trong cộng đồng. Dù được Đức Giám mục Giáo phận Đà Lạt nhiều lần nhắc nhở nhưng thay vì hối cải, ông Truyền lại mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều giáo phận trong cả nước.
Phụ tá đắc lực cho ông Truyền trong nhóm hoạt động tôn giáo trái phép là Nguyễn Thị Thương. Sau khi sinh con và tự đồn thổi đó là “thai thánh” do Chúa gửi đến chứ không phải do quan hệ vợ chồng, Thương hoang tưởng bản thân được ơn hiệp thông với Chúa cha nên có khả năng chữa bệnh, trừ quỷ và rêu rao mình là thư ký của “Chúa cha”.
Để tìm hiểu thực hư khả năng chữa bách bệnh của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, ngày 7-4, PV Pháp Luật TP.HCM trong vai một người bệnh hiếm muộn, thường xuyên mệt mỏi đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Chu Truyền để được tư vấn, chữa bệnh.
Đánh người bệnh để trục quỷ, trị cả qua online
Lộ rõ thái độ dè dặt, cảnh giác, ông Truyền trả lời hiện tại không thể chữa bệnh trực tiếp tại “nhà Chúa cha” vì đang có “nhiều bất tiện”; đề nghị kết bạn Zalo, Instagram để “chuyển Thánh ý” qua mạng. Bằng kịch bản “Chúa cha nói con nghe, quỷ ở trong người con làm con như vậy”, ông Truyền hẹn người bệnh (tức PV) sẽ kết nối để Nguyễn Thị Thương xin ý Chúa chữa lành.
Sau nhiều lần tương tác online, ngày 13-4, chúng tôi tìm tới nơi tự xưng “nhà Chúa cha”, thực chất là nhà riêng của Thương ở 53/5 Hồ Tùng Mậu, phường 1, TP Bảo Lộc, được dùng làm địa điểm “hành nghề”. Ngôi nhà khang trang được vợ chồng Thương bài trí thành một điểm sinh hoạt tôn giáo. Ngoài sảnh chính làm nơi sinh hoạt các hoạt động tôn giáo, trừ quỷ, bên trong vợ chồng Thương còn bố trí nhiều phòng như phòng thánh ca, phòng nghỉ dành cho người bệnh sau khi “trục quỷ”, phòng máy cài đặt các phần mềm để có thể kết nối chữa bệnh online... Phía trước, Thương dựng lên một cửa hàng bán tượng các loại như một tấm bình phong.
Nhiều người tình nguyện giả làm quỷ để ông Truyền “làm phép trừ quỷ”. |
Theo hẹn của ông Truyền, chúng tôi có mặt tại “nhà Chúa cha” khoảng 10 giờ sáng. Lúc này, khá nhiều người bệnh đang có mặt, chứng kiến một số thành viên của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” ra sức đánh vào người các con bệnh để “trục quỷ”.
Thương và ông Truyền tổ chức một nhóm “hành nghề” khá bài bản, quy mô. Trong đó, ông Truyền trực tiếp “thăm khám” nhưng thực chất là lảm nhảm những câu bùa chú rồi đặt tay lên đầu bệnh nhân mô phỏng những động tác phù phép, trừ yêu, diệt quỷ. Thương cùng đặt tay lên tay ông Truyền trên đầu người bệnh và phụ họa những câu không rõ ý nghĩa.
Người bệnh ngồi im chịu đựng những hành động mô tả ma quỷ nhập hồn. Trong quá trình đánh liên tiếp vào “chỗ nào đau là chỗ đó có quỷ ẩn nấp”, Thương luôn cầm cuốn sổ ghi chép “lời của Chúa cha”, viết loằng ngoằng vài ba chữ vô nghĩa ra giấy rồi “phán” lại, người bệnh tuyệt đối chỉ được phép nghe, tin và làm theo. Giữ vai trò cầm đầu trong việc “trừ quỷ”, Thương vừa “truyền lời Chúa cha” vừa hỏi một trong bốn người đóng vai “quỷ” rằng: “Mày hãy nói cho nó (tức người bệnh) biết, mày là con quỷ gì?”.
Một đối tượng giả làm quỷ phục vụ ý đồ của ông Truyền và Thương. |
Giúp việc cho Thương và ông Truyền là bốn phụ nữ đóng vai các “con quỷ”. Cảnh tượng ghê rợn chỉ có trong những bộ phim kinh dị cho thấy bốn phụ nữ này uốn éo, gào thét, trợn ngược mắt, mô phỏng các động tác ma quái xung quanh người bệnh khi Thương và ông Truyền “trừ quỷ”. Sau mỗi lần “truyền lời Chúa cha”, Thương chỉ vào một trong bốn phụ nữ hỏi thì họ nói: “Tao là quỷ dâm dục hay tao là con mèo”, hoặc “ta là quân vương”. Trong lúc đó, một nhóm người răm rắp chắp tay cầu nguyện.
Uống nước máy để trừ COVID-19
Thời điểm chúng tôi thâm nhập, hầu hết “người bệnh” đến đây đều được yêu cầu ăn chay và uống chai nước có dán nhãn “Nguồn thánh thiêng”. Thật ra, đây chỉ là nước máy của nhà Thương, được hút lên bồn inox rồi đóng chai. Khi uống thử, PV còn thấy rõ mùi clo xộc lên. Ông Truyền lại đăng tải một clip trên mạng xã hội phao tin: “Cái dịch này (COVID-19), chỉ có nước Chúa cho xuống để rửa nó mới có thể tiêu diệt các con virus trong không khí”. Lần theo một số người từng uống nước “Nguồn thánh thiêng” chữa COVID-19 thì được biết, họ chẳng những không khỏi bệnh mà nhiều trường hợp còn gặp nguy kịch do không được chữa trị kịp thời.
Ông Truyền và Thương chữa bệnh online. Ảnh trong bài: VÕ TÙNG |
Hầu hết “người bệnh” đến đây đều được yêu cầu ăn chay và uống chai nước có dán nhãn “Nguồn thánh thiêng”. Thật ra, đây chỉ là nước máy được hút lên bồn inox rồi đóng chai.
Qua giới thiệu của người quen, đầu tháng 3-2022, anh NTT, ngụ xã Phú Lâm, huyện Tân Phú (Đồng Nai) đến “nhà Chúa cha” gặp Thương để được điều trị COVID-19. Sau khi được cho uống chai nước và làm các hoạt động trừ quỷ, anh này nghe Thương thông báo đã khỏi bệnh. Chỉ về nhà được một ngày thì anh T có biểu hiện khó thở, suy hô hấp, lập tức phải nhập viện cấp cứu. Tại BV đa khoa huyện Tân Phú, anh được cho thở máy, điều trị tích cực và đã khỏi bệnh hoàn toàn. “Nếu còn mù quáng tin vào nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, không chừng tôi đã mất mạng rồi” - anh T thổ lộ.
Chưa hết, để dụ dỗ người dân, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” luôn miệng khẳng định bất kỳ bệnh gì cũng đều do “quỷ” ám trong người và nhận chữa tất thảy các bệnh, kể cả ung thư, HIV-AIDS, nghiện ma túy.
Đặc biệt, nhóm này thường xuyên tổ chức “chữa bệnh, trừ quỷ, đuổi tà” rồi quay video đưa lên mạng xã hội để khuếch trương thanh thế. Tính đến hiện tại, Thương đã cho phát tán hơn 300 clip chứa nhiều nội dung không đúng sự thật, dễ gây nhầm lẫn, lạc lối cho những ai nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết.
“Trái với tinh thần của giáo lý, giáo luật”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, linh mục Hoàng Văn Chính, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước những nhận thức và hành động sai trái của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc”, ngay từ đầu Tòa Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã kiên trì vận động, tuy nhiên cả ông Nguyễn Chu Truyền và Nguyễn Thị Thương vẫn không tiếp thu. Do đó, đã đến lúc phải có những biện pháp xử lý theo giáo luật.
Linh mục Hoàng Văn Chính khẳng định những điều “Chúa cha muốn”, lời “Chúa cha nói” mà Thương tự xưng không đúng sự thật, hồ đồ, hoang tưởng, dẫn đến hậu quả không tuân phục giáo quyền. Thậm chí, một số điều không đúng giáo lý đức tin. Ví dụ, nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” cho rằng Chúa cha nhập thể trong tượng Chúa Hài Đồng ở nhà bà Thương. Trong khi đó, theo giáo lý Công giáo, chỉ có Chúa con nhập thể, còn Chúa cha thì không.
Tóm lại, dưới góc độ tôn giáo, tín ngưỡng, việc trừ quỷ cũng như chữa bệnh bằng phương pháp trừ quỷ hoàn toàn không đúng với tinh thần của giáo lý, giáo luật.
Về việc phao tin mang thai hai đứa con (trong số bốn con) là do Chúa gửi đến, Đức Giám mục Giáo phận Đà Lạt, Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh nhận định: Những người có gia đình sinh con là bình thường, sao lại gọi “thai thánh”? Dùng từ “thai thánh” một cách hồ đồ dễ dẫn đến những hoang tưởng như chuyện thai nhi đẩy tay mẹ viết lời Chúa...
Đức Giám mục Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh khẳng định: Điều này hoàn toàn đi ngược với giáo lý hôn nhân được viết rõ trong kinh Thánh. Đặt tay cho có thai trong trường hợp người không có chồng hoặc không lập gia đình thì giải thích thế nào về giáo lý hôn nhân? Giáo lý hôn nhân ghi rõ con cái phải là kết quả của tình yêu vợ chồng.
Theo Đức Giám mục Đa-minh Nguyễn Văn Mạnh, những hoạt động của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” là hoang tưởng, phản khoa học, vi phạm pháp luật. Hành vi của nhóm “Trừ quỷ Bảo Lộc” đã xúi giục nhiều người xa rời giáo lý, giáo hội, từng bước tách mình khỏi cộng đồng giáo dân, đi ngược lại với tinh thần “kính Chúa yêu nước” của Hội đồng Giám mục Việt Nam.