Những băn khoăn về việc đổi tên CCCD thành thẻ căn cước

(PLO)- Việc đổi tên CCCD thành thẻ căn cước có dẫn đến việc người dân cũng phải đổi sang thẻ căn cước
hay không, đó là thắc mắc của nhiều bạn đọc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật Căn cước đang được thảo luận tại Quốc hội (QH). Theo đó, một số đại biểu QH tán thành việc đổi tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước (thay vì là CCCD như hiện nay) vì thể hiện rõ đối tượng áp dụng của luật bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam. Đồng thời, sự thay đổi này còn được bổ sung nhiều quy định trong dự thảo luật và nâng cấp một số tiện ích đối với CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, một số đại biểu QH còn băn khoăn về việc nếu phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước có thể gây ra một số bất cập hoặc tạo dư luận không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý.

Trước vấn đề này, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ một số thắc mắc, thậm chí không đồng tình với việc phải đổi lại CCCD vì mất thời gian, phiền toái…

Đừng để người dân chờ đợi

Bạn đọc Hồng Phúc ý kiến: “Trước đây khi đổi từ CMND sang CCCD, người dân ít nhiều phải kê khai với cơ quan thuế, bảo hiểm, ngân hàng, giấy tờ nhà đất… về sự thay đổi này. mỗi lần thay đổi như vậy rất phiền, người dân phải trực tiếp đến nơi thực hiện việc đổi giấy tờ và phải cập nhật loại giấy tờ mới đó cho các cơ quan, ban ngành. Công nghệ thay đổi thì bỏ luôn cái thẻ cứng, chỉ cần mang điện thoại là được. Khi đó muốn thay đổi hay cập nhật thì hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến, người dân không cần bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để chỉ làm một cái thẻ chứng minh công dân”.

Bạn đọc Quang Thành Phúc chia sẻ: “Dự thảo đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam (hiện nay chỉ cấp CCCD Việt Nam) đều có lý do. Nhưng dù lý do gì thì cũng chỉ vì sự tiện ích của người dân và tiện ích trong công tác quản lý. Vấn đề là chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh luật, mở rộng phạm vi đối tượng sử dụng căn cước, bổ sung một vài tiện ích mà không cần người dân phải đi đổi thẻ căn cước. Chỉ cần đổi tên gọi, cấp thêm một loại giấy tờ cho những người gốc Việt, đồng thời các ban ngành có thể phối hợp bổ sung các tiện ích trong căn cước cho người dân vì mọi thông tin hầu như đã có hết rồi”.

“Những ai đi làm CCCD gắn chip ở giai đoạn gần đây có thể chưa hiểu nhưng với những người làm ở giai đoạn trước thì chắc chắn sẽ hiểu quá trình đổi từ CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip vất vả thế nào. Thời điểm đó dù không bắt buộc phải đổi khi giấy tờ cũ vẫn còn hạn nhưng nếu không đổi sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch trong đời sống, do đó người dân trong giai đoạn đầu đổ xô đi làm CCCD gây tình trạng quá tải, nguồn nhân lực công an không đáp ứng đủ. Gia đình tôi phải chờ đợi mỏi mòn trong hai ngày mới hoàn thành thủ tục, vài tháng sau mới nhận được CCCD gắn chip. Giờ nghe đổi căn cước nữa, tôi thật sự mệt mỏi!” - bạn đọc Nguyễn Hữu Dũng nêu.

doi the cccd.jpg
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành việc đổi tên CCCD sang thẻ căn cước nhưng cũng có nhiều đại biểu băn khoăn. Ảnh: HUỲNH THƠ

CMND hết giá trị sử dụng từ ngày 31-12-2024

UBTVQH nhận định, quy định CMND hết giá trị sử dụng từ ngày 31-12-2024 cơ bản không tác động lớn đến hoạt động giao dịch của người dân.

Bất cập thì sớm sửa đổi

Trao đổi với PV, luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng trong thời gian ngắn mà nhiều lần thay đổi CCCD gây lãng phí nguồn lực xã hội. Nhưng bất cập thì sớm sửa đổi, vì không sửa đổi thì một bộ phận không nhỏ người Việt không có quốc tịch Việt Nam (qua các thời kỳ chiến tranh, định cư tại các nước giáp biên giới…) bị gạt ra bên lề xã hội.

Việc sửa đổi luật cấp căn cước cho người Việt chưa xác định quốc tịch là việc làm nhân văn nhằm tạo điều kiện sớm hòa nhập cho nhiều người chưa có quốc tịch Việt Nam tham gia các giao dịch, việc làm…

Theo luật sư Nông, dịp này cũng cần quyết định bỏ quy định “quê quán” vì đây là khái niệm lạc hậu và không thống nhất, hơn nữa mục này trong căn cước không nhằm vào việc quản lý nhà nước.

“Tôi đề nghị không ghi địa chỉ cư trú trên thẻ căn cước (chỉ ghi nhận trong dữ liệu ẩn) vì địa chỉ cư trú của công dân, đặc biệt là dân thành thị thay đổi liên tục, mà mỗi lần thay đổi phải làm lại thẻ căn cước, rất lãng phí. Thay vào đó, Bộ Công an nên chia sẻ thông tin bằng việc cung cấp các app, trang web để cơ quan, người có thẩm quyền tại các cơ quan nhà nước, tổ chức được Nhà nước cho phép, thậm chí công dân bình thường được tra cứu thông tin công dân. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, công chức, người có nhiệm vụ khác nhau mà được cấp quyền tiếp cận những thông tin khác nhau cho công việc quản lý nhà nước” - luật sư Nông nói.

Luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng nên đổi CCCD thành thẻ căn cước để điều chỉnh phạm vi rộng hơn, bao gồm người gốc Việt Nam và cả những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Hơn nữa, đây cũng là dịp bổ sung đầy đủ thông tin cho người sử dụng CCCD và khắc phục một vài nhược điểm.

“Việc bổ sung quy định, thay đổi tên luật, tên gọi CCCD và đổi cả thẻ là hợp lý, có cơ sở nhưng phải tính toán kỹ, lấy ý kiến của chuyên gia, người dân để có phương án tối ưu. Bên cạnh đó, để không gây ra khó khăn, bất cập cần tính đến sự thuận tiện cho người dân trong quá trình đổi CCCD” - luật sư Minh nói.•

Tránh các thủ tục phát sinh

Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Căn cước mà Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

Tuy nhiên, để tránh thủ tục phát sinh cho người dân thì thẻ CCCD mà người dân đang sử dụng hiện tại nên được giữ nguyên, chỉ những trường hợp đổi thẻ, cấp lại, cấp mới thì mới cấp “thẻ căn cước”.

Việc đổi tên sẽ phù hợp với bản chất, mục tiêu quản lý căn cước hiện nay. Đồng thời, việc đổi tên không làm thay đổi bản chất hay chức năng của thẻ, mà còn giúp cho việc gọi tên đơn giản hơn như một số nước trên thế giới chỉ sử dụng từ “Identity Card” (ID card) ngắn gọn, súc tích nhưng bao hàm đầy đủ nội dung. Ths. Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Mở TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm