Những bí mật ly kỳ của “cậu nhỏ”

Một trong những tượng gợi hình trong công viên Haesindang, Hàn Quốc. Ảnh: TL

Một trong những tượng gợi hình trong công viên Haesindang, Hàn Quốc. Ảnh: TL

“Nón da”: nên giữ hay nên bỏ?

Nhà thơ nhìn đâu cũng phát tiết thơ, nên thi sĩ Hồ Xuân Hương đã đặt cho cái mảnh da mà y học gọi là “bao quy đầu” một cái tên nên thơ “nón da”:

Đầu đội nón da loe chóp đỏ

Lưng đeo bị đạn rủ thao đen

Liên quan đến “nón da”, cho đến nay chuyện đáng bàn nhất (và cũng gây tranh cãi nhất!) chỉ là chuyện cắt bỏ hay giữ lại bao quy đầu.

Với phe ủng hộ cắt bỏ, lý do đầu tiên là để phòng ngừa ung thư dương vật, bởi người ta thấy những tín hữu Hồi giáo hay Do Thái giáo “bỏ nón” thường ít bị ung thư dương vật hơn so với người “đội nón”.

Cắt bỏ bao quy đầu cũng loại bỏ bớt những vi khuẩn “thường trú” trong bao bởi vùng này có ít nhất 42 loại vi khuẩn thích trú ngụ. Theo một nhà nghiên cứu Mỹ, những vi khuẩn này có thể làm viêm quy đầu cho chủ nhân và viêm âm đạo cho những người có “qua lại” với chủ nhân.

Nhưng lý do mạnh mẽ nhất có lẽ là giúp phòng tránh nhiễm virút HIV. Thật vậy, đầu thế kỷ này nhiều nghiên cứu y học tại châu Phi đưa ra một kết luận giật mình là người “cắt bao” ít bị nhiễm virút HIV hơn người “giữ bao”!

Đào sâu tìm hiểu, người ta thấy mặt trong của bao quy đầu có nhiều tế bào đặc biệt mang tên tế bào Langerhans mà virút HIV thích tấn công khi lỡ đụng phải đối tác là người HIV dương tính.

Từ các tế bào này, virút HIV sẽ dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Nếu cắt bao quy đầu, virút HIV có thể sẽ khó xâm nhập vào cơ thể hơn vì không còn bàn đạp. Lẽ dĩ nhiên, ngoài tế bào Langerhans, virút HIV còn có thể tấn công những tế bào khác để chui vô cơ thể, nhưng bớt được một số lượng lớn tế bào Langerhans thì cũng giảm được nguy cơ nhiễm HIV.

Năm 2012, tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức khẳng định cắt bỏ bao quy đầu giúp giảm 60% khả năng nhiễm virút HIV. Do vậy bên cạnh bao cao su, cắt bỏ bao quy đầu là biện pháp ngừa HIV đáng… “đồng tiền bát gạo”.

Nửa thế kỷ trước, phe “diều hâu” chủ trương cắt bao quy đầu thắng thế dựa trên lý do phòng ngừa ung thư dương vật, tránh viêm nhiễm quy đầu, bao quy đầu và âm đạo. Cách nay 20 năm, phe “bồ câu” giành lại thế cân bằng khi cho thấy nếu giữ vệ sinh đúng cách thì vẫn tránh được các bệnh trên, chỉ cần bôi thuốc là trị được hẹp giả bao quy đầu ở trẻ em.

Tuy nhiên với phát hiện mới về khả năng giảm bớt nguy cơ nhiễm virút HIV khi “bỏ bao”, có vẻ phe “diều hâu” đang thắng thế. Dầu vậy, cũng đừng nghĩ rằng người cắt bao quy đầu cứ đi quan hệ thoải mái, chẳng bao giờ bị nhiễm HIV qua đường tình dục.

Thật ra người “không nón” vẫn có khả năng bị nhiễm HIV qua quan hệ tình dục như người “có nón”, chỉ khác là nguy cơ thấp hơn mà thôi!

“Dạng sống”, “dạng chết”: ai ngon hơn ai?

Bậc tiền bối bác sĩ Trần Bồng Sơn từng nói dương vật có hai dạng, dạng “sống” và dạng “chết”. Trong tiếng Anh, dạng “sống” được gọi là “grower” (dạng “mọc”) và dạng “chết” được gọi là “shower” (dạng “khoe”).

Đối với dạng “sống” hay “mọc” thì dương vật khi xìu nhìn nhỏ xíu nhưng khi “vươn vai” thì to dài chẳng kém ai. Theo Kinsey, một nhà tình dục học người Mỹ, dương vật có thể tăng gấp đôi chiều dài từ trạng thái xìu sang trạng thái cương hết mức.

Đối với dạng “chết” hay “khoe”, lúc xìu có vẻ bặm trợn nhưng khi cương chẳng dài hơn được bao nhiêu, thậm chí còn ngắn hơn là dương vật cương của người dạng “sống”. Vì vậy, không thể dựa vào tình trạng dương vật lúc xìu để đoán được chiều dài của dương vật khi cương.

“Cậu nhỏ” nhạy cảm nhất chỗ nào?

Có người nói chỗ “nhạy” nhất là quy đầu, có người bảo là dây thắng, người khác nói là bao quy đầu nên nếu bao bị cắt mất thì bớt nhạy.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Schober năm 2009, chỗ “nhạy” nhất lần lượt là mặt dưới quy đầu, mặt dưới thân dương vật, mặt trên quy đầu, hai bên quy đầu, hai bên thân dương vật, mặt trên thân dương vật và sau cùng là bao quy đầu.

Schober cũng cho biết thứ tự này chỉ tương đối thôi, không chắc đúng 100% mà thay đổi tuỳ độ tuổi, vị trí kinh tế xã hội của từng người. Vì vậy, bí mật này vẫn là… bí mật. Chính vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên cách hay nhất để biết chỗ “nhạy” của chàng là hỏi đối tượng. Hai bên cứ trao đổi và thực hành để khám phá sự thật là xong!

Theo TS.BS Nguyễn Thành Như (Thế giới tiếp thị)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm