“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Thế mà đời bà cơ cực, đến đời mấy đứa cháu cũng không đủ ăn. Chữ nghèo đến khi nào mới thôi đeo đuổi?”. Bà Đặng Thị Miễn (86 tuổi, ngụ xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) tâm sự với chúng tôi bên trong căn nhà rách nát.
Quẩn quanh cái nghèo
Ông Trần Khả (96 tuổi, chồng bà Miễn) lui cui chống gậy lê những bước chân nặng nhọc từ ngoài xóm về. Thấy chúng tôi, ông Khả giơ tay chào, đôi mắt ngơ ngác.
“Ổng lẫn rồi, tai lại điếc nên không biết gì. Mà ngày nào cũng phải đi ra đi vô, chào hết người này tới người khác. Ai thương cho tiền ổng cũng không biết là tiền” - bà Miễn nói.
Cuộc đời bi kịch bà Miễn bắt đầu từ khi bắt đầu về làm vợ một người đàn ông chân lấm tay bùn. Mới cưới về thời gian ngắn, chồng bà bị thực dân Pháp bắt ra Thanh Hóa. Thoắt cái hết 11 năm, bà Miễn thủ tiết, an phận sống bên gia đình chồng. Ngày về, chồng bà lại dẫn theo một phụ nữ khác, tay bế đứa con hai tuổi. Quá đau đớn, bà thưa với cha mẹ chồng cho được ly hôn.
Lúc ấy đã ngoài 30 tuổi, bà Miễn chỉ biết thui thủi làm đồng. Đến một ngày, bà gặp được ông Khả cũng một đời vợ, đã chia tay. Rổ rá cạp lại, hai người cưới nhau chỉ sau một tuần gặp mặt. Rồi bà Miễn theo chồng vào Sài Gòn, ở mãi đến sau giải phóng mới về nương nhờ bà con nhà ông Khả bên dòng Vu Gia.
Bà Nguyễn Thị Chưu tranh thủ trời nắng phơi lại sách vở cho hai cháu ngoại. Ảnh: TẤN VIỆT
Vợ chồng bà Miễn hiện có với nhau bốn người con, 12 đứa cháu nhưng nhìn đâu cũng thấy cơ cực. Dòng Vu Gia năm nào cũng lụt. Hai vợ chồng cứ dựng tạm được căn nhà thì nước lại cuốn đi. Lặp đi lặp lại như thế cho đến sau trận lụt năm 2009, Ủy ban MTTQ TP.HCM về xây cho căn nhà tình nghĩa ở đến nay.
Tài sản trong nhà cũng chỉ có hai chiếc giường tre đặt chính giữa. Trên là mái tôn rách nát, dưới là nền nhà tróc đầy cát sỏi.
“Ổng yếu lắm rồi nên bà kéo giường lại, tối nằm cạnh lỡ có chuyện gì còn biết. Các con, các cháu nó cũng khổ lắm, làm ruộng quanh năm không đủ ăn, năm nay thì mất trắng. Có hôm con dâu ở gần mua được chục ngàn cá cho bà nấu nồi canh, ổng còn ăn được bữa nào hay bữa đó. Ổng có đi trước là khỏe cho ổng, chứ bà mà đi trước thì…” - bà Miễn nói trong nghẹn ngào.
Bà Miễn kể mới mấy ngày trước tưởng chồng chết rồi. “Ổng nói bà pha cho ly cà phê, uống vô rồi tự nhiên trợn ngược mắt. Bà tưởng ổng đi mất rồi, may mà sau đó tỉnh lại. Giờ chỉ ước có tiền lợp lại mái tôn cho khỏi dột, tráng lại nền xi măng cho bằng phẳng để ổng đi khỏi vấp. Chứ đời bà khổ quá rồi, giờ còn dám mong gì hơn nữa” - bà Miễn nói.
“Cái nhà này gió lớn là sập thôi!”
Căn nhà xiêu vẹo của bà Nguyễn Thị Chưu (69 tuổi) cách nhà bà Miễn hơn 1 km. Tranh thủ nắng lên, bà Chưu mang sách vở ướt sũng của hai đứa cháu ngoại ra phơi trước hiên, chuẩn bị cho các cháu đi học. Khi chúng tôi đến nhà, hai cháu nhỏ của bà Chưu còn đang ngủ.
Thời con gái, do lầm lỡ bà có thai rồi tự mình sinh và nuôi một cô con gái đến nay. Vợ chồng con gái bà Chưu cùng hai cháu từ Đà Nẵng về ở luôn với bà. Người con gái đi thu gom rác cho thôn, mỗi tháng vỏn vẹn được 2 triệu đồng. Người con rể làm thợ hồ, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Gia tài của gia đình ngoài căn nhà rách rưới là 20 con vịt cùng mấy sào ruộng.
Vợ chồng bà Miễn gần đất xa trời chỉ dám mong có mái nhà không thấm dột.
Ảnh: TẤN VIỆT
“Năm nay lụt lớn quá, mấy sào bắp hái vội mang lên sân đình phơi nhưng nước lụt cũng lên tới nơi, không biết mang đi đâu nữa nên mất trắng” - bà Chưu kể.
Bão số 9 vừa qua đã tốc sạch mái tôn nhà bà Chưu. Bốn vách tường ốp bằng gỗ ván cũng bung tứ tung, cả nhà đành che tạm tấm bạt để trú. May nhờ xã vận động hỗ trợ, bà con cho vay mượn thêm ít tiền, bà Chưu lợp lại nhà hết 10 triệu đồng.
“Mình khổ rồi đến con cháu cũng khổ theo. Cái nhà này gió lớn là sập thôi. Chỉ thương hai đứa cháu đi học mà quần áo, sách vở nhem nhuốc” - bà Chưu nói, nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm đen.
Ông Trần Nơi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đại An, cho biết hai hộ gia đình bà Miễn và bà Chưu thuộc diện nghèo nhất của xã. Họ đều ở trong những ngôi nhà có thể sập ngay khi trời nổi gió mạnh.
Vì vậy, ngoài nỗ lực hỗ trợ từ phía chính quyền, rất cần những nhà hảo tâm góp sức để họ sửa lại nhà kiên cố hơn.
(PLO)- Dự báo trong vài giờ tới, nhiều điểm trên sông Vu Gia, Thu Bồn vượt mức báo động (BĐ) III.