Các câu hỏi xoay quanh việc yêu đương thường khiến người ta dè dặt. Tuy nhiên, vướng mắc không nói ra thì vấn đề sẽ còn mãi, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Chuyên gia tâm lý kể ra một số câu hỏi mà các cặp đôi dù có ngại ngùng cũng vẫn nên nói rõ.
Chúng tôi gần gũi nhau rất ít, chỉ 1 lần/tháng, như vậy có bình thường?
20% các cặp vợ chồng cho biết số lần giao ban của họ chỉ từ 10 lần trở xuống trong một năm. Các bác sĩ gọi đó là đời sống hôn nhân không tình dục.
Cứ ba cặp đôi thì có một cặp xảy ra tình trạng này sau 2 năm chung sống. Điều đó cho thấy hiện tượng không tình dục khá phổ biến.
Vấn đề này có thể do một trong hai hoặc cả 2 mất hứng thú chăn gối. Nếu một trong hai vẫn quan tâm đến chuyện yêu thì hãy dành thời gian để nói chuyện, khơi gợi đối phương. Nếu vấn đề ở cả hai, chuyên gia tâm lý là nơi bạn nên tìm đến.
Tôi sợ rằng thời kỳ đỉnh cao đã qua. Có phải con người khi lớn tuổi sẽ thực sự mất lửa với chuyện yêu?
Xét về mặt sinh học, cơ thể con người thực sự có giai đoạn sản xuất hormone sinh dục dồi dào và suy giảm dần khi vượt qua mốc 40 tuổi.
Tuy nhiên, lửa yêu lại phụ thuộc nhiều hơn vào tâm lý chứ không phải sinh lý. Thông thường người ta sẽ tận hưởng chuyện yêu tốt hơn khi hiểu rõ về bản thân và có “kỹ năng”cũng như kinh nghiệm đấu trường.
Ngoài ra, trao đổi là điều vô cùng cần thiết để thấu hiểu và khiến nhau hài lòng. Điều này thực ra chỉ có ở những cặp đôi đã ở bên nhau đủ lâu, yêu thương đủ sâu để vì nhau mà hành động.
Tôi thích một đằng, người ấy thích một nẻo, phải làm thế nào?
Chuyện này rất thường xảy ra bởi chúng ta là những cá thể khác nhau. Tùy vào tâm lý, cơ thể mà mỗi người thích và phù hợp với một kiểu yêu đương riêng.
Để “biết địch biết ta”, cả hai phải nói rõ điều mình muốn hoặc tỏ rõ thái độ để người kia biết nhu cầu, sở thích của mình.
Chuyện yêu là mối quan hẹ hợp tác riêng tư và thân mật nhất giữa nam và nữ. Nếu có tình cảm chân thật, cả hai sẽ luôn muốn làm người thương hài lòng.
Tuy nhiên, luôn luôn vì người khác lại không phải là cách hay, nó gây ra ức chế một chiều. Tốt nhất là phối kết hợp để cả hai cùng được… hưởng lợi.
Tôi thích khi yêu nói những điều hơi…khác thường một chút, nhưng người kia lại coi tôi như quái vật. Tôi có nên ngưng việc ấy lại?
Không ngưng - vì điều này nếu vận dụng tốt sẽ có tác động rất tích cực. Tuy nhiên cần điều chỉnh đôi chút.
Về “kỹ thuật”, việc nói những câu có phần trần trụi khi riêng tư không cần cả hai cùng thực hiện. Song về tâm lý, hẳn ai cùng muốn được người kia hưởng ứng.
Nếu đối phương chưa quen, hãy bắt đầu từ thấp lên cao. Ban đầu là những câu hỏi có tính quan tâm, khơi gợi như “anh/em thích như thế nào?”, “điều này ổn chứ?”… bạn sẽ khiến người ấy quan tâm và nhập cuộc hơn. Từ đó khéo léo nâng cấp lên.
Có rất nhiều cách để nói trần trụi một cách dễ nghe, cái chính là cân nhắc từ ngữ và thái độ.
Làm thế nào để tôi nói với chồng rằng anh ấy có vấn đề trục trặc khi yêu?
Phải hết sức cẩn trọng vì điều này ảnh hưởng đến sĩ diện của người đàn ông. Hơn nữa, thông thường họ sẽ tự nhận ra trục trặc của mình trước bạn.
Điều cần làm lúc này là cảm thông, trò chuyện và hợp tác. Tuyệt đối không tỏ thái độ chê trách, bất mãn…Trước tiên cần tháo gỡ về tâm lý. Nếu nhận ra đó là vấn đề bệnh lý, cả hai hãy cùng đến bác sĩ để được giúp đỡ.
Tôi muốn thử một món sex-toy, mở lời như thế nào sẽ ổn?
Hãy bắt đầu bằng một món nho nhỏ, thú vị và dễ sử dụng. Đưa thông tin trước cho đối phương, trong đó cần nhấn mạnh về tác dụng tuyệt vời của vật mà bạn chọn. Đừng để người ấy hiểu lầm bạn chưa hài lòng nên cần một chất xúc tác. Vấn đề chỉ là thử trải nghiệm điều mới mẻ vì lợi ích cho cả hai.