Ước mơ của đời bà Mai là có cơ hội được nhìn con gái mình bước “sang sông” trên một cây cầu kiên cố. Bà không phải người mẹ duy nhất ở xã Phú Thuận (An Giang) sống với mong mỏi này.
Bên bờ nam dòng Hậu Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) nhìn từ trên cao là dải đất của hai sắc xanh: xanh bạt ngàn đồng ruộng và xanh chằng chịt những dòng kênh chạy theo hình xương cá. Xen giữa hai sắc xanh ấy là những nếp nhà liêu xiêu của những gia đình mưu sinh bám vào đồng ruộng.
Hơn hai mươi năm về làm dâu Phú Thuận, những người phụ nữ như bà Mai đã gắn đời mình với chiếc cầu gỗ “lắt lẻo” ở ngã ba kênh Xáng, từ cái thuở ngượng nghịu cắp nón, nắm tay ông xã về nhà chồng, đến sau này, năm ba vụ gặt, địu thóc qua sông. Bước chân họ bao năm nay vẫn đạp trên dăm chục tấm ván gỗ, níu lại với nhau bởi những chiếc đinh đóng vội và đủ loại những sợi dây thép mỏng manh.
Những thớ gỗ phơi mình dưới cái nắng và những cơn mưa mùa nước nổi miền Tây, mủn trơ ra những mẩu đinh nhọn. Mặt gỗ bám rêu, phất phơ những bụi cây dại mọc xung quanh. Nguời Phú Thuận gọi kết cấu thô sơ ấy là một cây cầu.
Trên cây cầu ấy bao năm nay, nông dân vựa lúa Thoại Sơn vẫn phải tự cõng thóc về nhà, con nít túm ống quần, rón chân đi học trong những ngày mưa lụt còn người bệnh trong ấp phải cậy người nhà khiêng qua bên kia cầu, nơi xe cấp cứu đang đứng đợi. Những ngôi nhà quay mặt ra cầu quen với những tiếng rầm rầm vọng suốt ngày đêm của những thanh gỗ long lên trên mặt cầu khi có người qua lại.
Đàn ông trong ấp quanh ngã ba kênh Xáng, sau mỗi bận mưa ấy lại cùng nhau tay đinh tay búa, gom góp từng ván gỗ tốt trong nhà mang ra vá víu lại cây cầu, mong qua nổi những ngày mưa gió tiếp theo. Bà Mai giãi bày, dân miền Tây bao đời chịu khó, quen cực, chỉ tủi hột thóc mình đổ mồ hôi chưa giúp mình giàu. Vài trăm triệu đồng một lúc bỏ ra xây cầu là “bất khả thi” đối với những vùng thuần nông như Phú Thuận và hầu hết các xã ở Thoại Sơn.
Cây cầu gỗ thô sơ với những tấm ván đóng vội.
Để thay đổi điều này, Dự án “Cầu Hy vọng – Nâng bước em đến trường” của Quỹ Hy vọng xóa cầu tạm, cầu ván, cầu sắt xuống cấp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xây những chiếc cầu bê tông kiên cố ở chính ở những vùng đất tưởng như “không thể tiếp cận được”. Trên hành trình xây chiếc cầu Hy vọng số 98 ở Vĩnh Tây lần này có sự đồng hành của “đội quân áo đỏ” Vietlott, với phần đóng góp tiền mặt 200 triệu đồng.
Hoạt động cộng đồng nhiều năm nay trở thành “truyền thống” của những người trúng giải của Vietlott, như một cách chia sẻ may mắn và trao cơ hội tới những người có cuộc sống khó khăn hơn.
Từng tổ chức tặng quà cho hàng trăm người bán vé số dạo ở TP.HCM trong mùa COVID-19, tặng học bổng tới học trò nghèo mồ côi, đóng góp làm đường, xây trường học, song đây là lần đầu tiên, màu áo đỏ Vietlott đồng hành trong một dự án xây cầu- công trình với người dân miền sông nước.
Ngày đầu tiên của tháng 3, hai công trình cùng khởi công, cách nhau nửa giờ chạy xe nhưng cùng chung một không khí vui như lễ hội. Không ít những giọt nước mắt đã rơi vì niềm hạnh phúc “cuối cùng ngày này cũng đến”. Giữa cái nắng rát mặt của mùa hè miền Tây, chính những người đàn ông Phú Thuận khi trước đợi tạnh mưa vác búa đinh ra sửa cầu gỗ, giờ cởi trần xắn tay ra góp ngày công xây cầu.
Đám phụ nữ như bà Mai, ai khoẻ thì ra phụ hồ, không thì ở nhà, dậy sớm nấu những nồi nước trà thật thơm và những bữa cơm thật đầy để mời toán thợ. Nhà nào neo người sẽ dọn mảng sân to để cho đội thi công để nhờ vật liệu. Mấy sắp nhỏ quanh ấp, tan học quên cả đi thả diều, đá bóng, chỉ thích đứng vây quanh, háo hức mấy ngày lại hỏi “sắp xong cầu chưa tía?”. Không khí cứ rộn ràng từ sáng tới tối, như vậy suốt ba tháng liền.
Cây cầu mới với sự chung tay đóng góp của Vietlott, quỹ Hy vọng
Ngày 21-6, giữa sự háo hức của hàng nghìn người dân, cầu Vĩnh Tây được khánh thành. Chiếc băng đỏ vừa được cắt rời bởi đại diện chính quyền địa phương, quỹ Hy vọng và Vietlott. Tiếng vỗ tay cũng rền vang. Những cụ già râu tóc bạc phơ, sáng ấy soạn cái áo cánh tươm tất nhất, cố chống ba-toong ra xem, rồi lấy tay quệt mắt “Tôi mừng quá cô chú ơi. Tôi sống đến hôm nay, chỉ để đợi cái cầu này…”
Xen giữa hai sắc xanh của đồng lúa và kênh ngòi, trên đất Thoại Sơn hôm nay thấp thoáng cả màu sơn trắng sọc đỏ của nững cây cầu bê tông mới, phấp phới những lá cờ lụa đủ màu. Ước mơ về những chiếc cầu, đã không còn phải truyền tiếp cho những thế hệ về sau…