Tết Nguyên đán đang đến gần; vấn đề lương, thưởng cũng như các quy định liên quan đến lao động dịp Tết là điều được người lao động đặc biệt quan tâm.
Do đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với luật sư Đặng Như Bảo Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM, để giải đáp một số thắc mắc của người lao động.
Có bắt buộc thưởng dịp Tết?
. Phóng viên: Thưa luật sư, một số công ty, doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây lại không có thưởng Tết vì kinh tế khó khăn. Xin hỏi doanh nghiệp có bắt buộc thưởng Tết cho người lao động?
+ Luật sư Đặng Như Bảo Châu: Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng bao gồm cả thưởng Tết không phải là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp. Việc thưởng phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Người lao động sẽ được thưởng Tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động; quy chế nội bộ doanh nghiệp hoặc thỏa ước lao động tập thể có quy định rõ về thưởng Tết; doanh nghiệp đạt doanh thu, lợi nhuận tốt và người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngược lại, nếu kinh doanh không có lãi hoặc người lao động không hoàn thành công việc, doanh nghiệp có quyền không thưởng Tết.
Hình thức thưởng có thể là tiền, tài sản, hoặc các hình thức khác theo quy chế công bố của doanh nghiệp.
Quy chế thưởng phải được người lao động quyết định và công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động (nếu có).
. Tiền thưởng dịp Tết có phải đóng BHXH bắt buộc không, thưa luật sư?
+ Theo khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như:
Tiền thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến; Tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân qua đời, người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động; Trợ cấp khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, theo Công văn 560/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tiền lương tháng thứ 13 và tiền thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm không được tính vào tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Do đó, các khoản tiền thưởng của người lao động (bao gồm tiền thưởng lương tháng thứ 13 và thưởng theo đánh giá kết quả công việc hàng năm) sẽ không làm căn cứ để tính đóng BHXH.
Tiền lương được nhận khi đi làm ngày Tết
. Nếu phải đi làm ngày Tết thì người lao động được hưởng lương ra sao, có khác gì so với ngày thường. Tiền lương làm việc vào ngày Tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
+ Theo Điều 112 và Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Nguyên Đán và vẫn nhận đủ lương trong 5 ngày đó. Trường hợp người lao động không nghỉ Tết mà làm thêm giờ thì tiền lương sẽ được tính như sau:
Làm việc vào ban ngày ít nhất bằng 400% lương của ngày làm việc bình thường (bao gồm cả lương ngày nghỉ lễ). Làm việc vào ban đêm ít nhất bằng 490% lương của ngày làm việc bình thường (bao gồm phụ cấp làm đêm theo quy định).
Như vậy, tiền lương và tiền công của người lao động làm thêm vào ngày Tết sẽ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc bình thường, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Phần tiền lương, tiền công cao hơn mức lương làm việc bình thường khi làm thêm giờ hoặc ban đêm sẽ được miễn thuế.
Phần tiền lương tính theo ngày làm việc bình thường vẫn phải đóng thuế TNCN theo quy định.
. Trường hợp thử việc có được thưởng dịp Tết và hưởng lương nghỉ Tết giống như lao động chính thức không, thưa luật sư?
+ Không có quy định bắt buộc doanh nghiệp thưởng Tết cho người thử việc. Việc có thưởng Tết cho người lao động đang thử việc hay không sẽ phụ thuộc vào quy chế thưởng của doanh nghiệp. Quy chế này được người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, do thời gian làm việc của người lao động thử việc chưa nhiều để có những đóng góp vào kết quả sản xuất và kinh doanh của công ty, doanh nghiệp nên họ thường không được thưởng Tết; để thể hiện sự công bằng trong quản lý nhân sự của doanh nghiệp.
Mặc dù không được thưởng Tết nhưng người lao động thử việc vẫn sẽ được hưởng lương ngày nghỉ Tết theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 (5 ngày). Số tiền lương người lao động thử việc được hưởng trong thời gian nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 = (Tiền lương thử việc tính theo ngày) x số ngày nghỉ.
Doanh nghiệp bắt buộc người lao động đi làm dịp Tết được không?
Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
Phải được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 40 giờ trong một tháng;…
Theo quy định đó, người lao động không bắt buộc phải đi làm ngày lễ, Tết. Đồng thời, công ty chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ nếu được sự đồng ý của người đó.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi như huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019.
Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Luật sư ĐẶNG NHƯ BẢO CHÂU, Công ty luật Kim Ngọc, Đoàn Luật sư TP.HCM