(PLO)- Những ngày đầu xuân, thủ phủ cà phê Đắk Lắk đang vào độ ‘phủ trắng trời xanh’. Những đồi hoa cà phê trắng muốt bắt đầu trổ bông khoe sắc báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Giữa tiết trời se lạnh, hoa cà phê bắt đầu đua nhau trổ bông khoe sắc phủ trắng khắp núi đồi tạo nên một khung cảnh đặc biệt, đầy sắc xuân. Ảnh Tuệ Anh “Đồi tuyết trắng” là cách người dân nơi đây ca ngợi vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo của loài hoa này. Ảnh Tuệ Anh Bà Nguyễn Thị Tâm (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết: “Bắt đầu 3 giờ sáng hoa cà phê nở. Sáng mai có nắng, hoa nở trắng như tuyết" Nếu hoa mai, hoa đào rực rỡ sắc hồng vào những ngày đầu xuân thì mùa hoa cà phê Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hàng năm. Thời điểm này, hoa sẽ trổ thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài từ 7 – 10 ngày. Hoa cà phê mọc thành chùm dọc cành. Cánh hoa mỏng, nở tròn xoe, với nhị trắng đan xen, hao hao hoa cúc. Loài hoa này mang mùi hương ngan ngát, thơm thoang thoảng, không hắc như hoa sữa, thu hút ong rừng tới hút mật. Ảnh Tuệ Anh Khi mặt trời ló rạng, những người con của vùng đất đỏ bazan rộng lớn này lại bắt đầu một ngày lên nương làm việc. Tuổi thơ của nhiều thế hệ đã gắn liền với những đồi cà phê trắng muốt, trải dài sau nhà. Ảnh Duy Học Đồi hoa cà phê trở thành điểm check in của giới trẻ
Sau mấy ngày Tết, nhiều hộ dân đang tranh thủ ra thăm vườn để quan sát mức độ sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Ai cũng hy vọng khởi đầu một năm mới suôn sẻ, gặt hái được nhiều thắng lợi. Hoa nở đẹp nhất vào đợt đầu tiên. Để có hoa đẹp, đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc của người nông dân. Bên cạnh đó, tùy thổ nhưỡng, lượng nước, thời tiết từng vùng, hoa sẽ nở vào sau Tết khoảng 1-2 tuần. Đắk Lắk được mệnh danh thủ phủ cà phê lớn nhất Việt Nam. Diện tích và sản lượng luôn đứng đầu cả nước. Đây là loại nông sản đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội , đem lại nguồn sinh kế cho người dân. Hiện trên địa bàn Đắk Lắk có hơn 213.000 ha cà phê, chiếm diện tích nhiều nhất trong các loại cây công nghiệp của tỉnh. Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh tổ chức sản xuất cà phê bền vững; có chỉ dẫn địa lý; tiếp tục tái canh cây cà phê và phấn đấu đạt hơn 24,4 nghìn ha tái canh giai đoạn 2021-2025. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 255 cơ sở chế biến cà phê. Tổng sản lượng chế biến hằng năm khoảng 469.000 tấn, gồm cà phê nhân 430.000 tấn, cà phê bột 30.000 tấn và cà phê hòa tan. Không chỉ tiêu thụ trong nước, xứ sở cà phê đã xuất khẩu đến 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn nhất. Cùng với việc xây dựng thương hiệu cà phê, Đắk Lắk đang xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới .