Ngay sau khi sự việc đau buồn xảy ra, tôi nhận được ít nhất vài lời đề nghị: bác phải viết cái gì đi chứ, viết để các bố mẹ chúng ta cùng đọc.
Tác giả Phúc Lai. Ảnh: FBNV
Những thúc giục đó là đúng và chính đáng, nhưng tôi cần, thực sự cần thời gian để tâm lý “trôi” qua những cảm xúc mãnh liệt nhất. Trong tôi, đó là một nỗi buồn mà có lẽ đến thời điểm này đã như một thử thách lớn: một cháu bé cấp 2, rồi tin một cháu gái lớp 9 chuẩn bị thi vào trung học chỉ cách đây mấy tuần và bây giờ đến chuyện này.
Có lẽ bây giờ không phải là lúc phân tích hay mổ xẻ cái gì cả, nên tôi không có ý định tìm hiểu các chi tiết của sự việc, đặc biệt là quan hệ cha mẹ – con cái hay cách hành xử của những người trong cuộc, ngoài cuộc.
Tôi đã trả lời với những người thúc giục tôi: thực sự tôi không biết phải viết gì cả, vì tất cả những gì cần viết, tôi đã viết hẳn thành một cuốn sách chứ mọi phân tích đi thẳng vào chi tiết của vụ việc, bây giờ đã là quá muộn.
Nhìn lại bản thân mình trước khi bắt tay viết cuốn sách đó, xuất phát điểm của tôi cũng chính là những sai lầm của bản thân, và chỉ khác những “trường hợp đau buồn” hiện nay là hậu quả nó chưa xảy ra thôi. Bản thân con trai tôi cũng bị tôi mắng mỏ nhiếc móc rất nhiều suốt trong những năm tiểu học và cả trung học phổ thông, đến mức có lần cháu tâm sự với mẹ là cũng muốn tự tử.
Cái hậu quả kinh khủng đó nó có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong các bố mẹ chúng ta, cần khẳng định như vậy. Vì thế mà khi nhận ra những bài học xương máu và viết lại thành từng dòng chữ trong sách, tôi luôn canh cánh và tâm niệm rằng “làm cha mẹ phải là một quá trình học tập và thực chất, là quá trình dạy bản thân mình". Câu này hoàn toàn không hề sáo rỗng, vì đến cuối sách tôi có một loạt những tổng kết về sự nhầm lẫn của quá trình giáo dục mà một trong những nhầm lẫn đó là đối tượng của giáo dục. Chúng ta vẫn thường lắp đặt ngay một tâm niệm vào cho bản thân là “dạy con” – và muốn gò con cái ra một cái gì đó như mình mong muốn.
Nhưng nếu chúng ta nhìn lại bản thân thì ngay cha mẹ chúng ta ngày xưa hoàn toàn không gò được chúng ta thành một “thứ gì đó” như các cụ mong muốn, mà chỉ tạo ra cho chúng ta những điều kiện cần thiết để phát triển còn việc phát triển thành con người cụ thể như thế nào thì lại chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Bản thân việc hình thành con người vì thế phải được đặt trong sự phát triển vận động của xã hội, con cái có môi trường xã hội riêng của nó và có con đường riêng của nó, như tôi viết là “có quỹ đạo riêng của các con.”
Vì thế, khi chúng ta chào đón đứa trẻ ra đời, cũng chính là lúc bắt đầu một giai đoạn cực kỳ đẹp đẽ của cuộc đời tất cả các thành viên của gia đình. Chúng ta cần phải cùng con làm sao cho giai đoạn đó là đẹp nhất trong đời mỗi người, để sau này mỗi lần con đã là một con người trưởng thành, con nhìn lại thấy đó là những kỷ niệm tươi mát, êm dịu và ngọt ngào, sức mạnh của con đi trên con đường đời là tình yêu thương và cả sự tin cậy của cha mẹ đặt lên mình. Trong cả cái quãng đời đó, việc học tập của con cái chỉ là một phần thôi, và có lẽ với ngày càng nhiều bậc cha mẹ tiến bộ, tầm quan trọng của nó cũng đã thay đổi.
Đến đây bạn có thể đoán rằng tôi sẽ đi vào phân tích việc nhiều cha mẹ đã đặt lên con rất nhiều kỳ vọng và từ đó gây sức ép cho con trong vấn đề học hành. Chuyện đó nhiều người nói rồi, tôi cũng nói nhiều lần rồi mỗi khi có một chuyện đau lòng xảy ra như thế này. Vì thế tôi sẽ viết về nhiệm vụ tạo điều kiện cho con học (từ phía cha mẹ) và học tập (từ phía con cái) bằng một cách khác.
Xuất phát điểm của người Việt nói riêng, dân Đông Á nói chung là học hành để làm quan, đỗ đạt… (ảnh hưởng rất nặng bởi Nho Giáo) vì thế nó sẽ dẫn đến một loạt các quan niệm, các kỹ thuật, các định hướng… hiện nay bị chỉ trích nhiều là sai lầm. Từ đặc điểm này, người Việt nhìn chung sa vào những vấn đề như lấy điểm số để đánh giá kết quả học tập, lấy kiến thức đánh giá giỏi dốt, lấy thi cử để đánh giá kiến thức. Chuyện này đến thời điểm thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI đã cực kỳ nặng nề trên bình diện toàn xã hội và do đó, ngành giáo dục cũng không ngoài cuộc.
Bạn đọc có thể gặp ở bất cứ đâu: khi mà bố mẹ có quan niệm tiến bộ, thoáng đạt thì cô giáo, nhà trường vẫn cố ép học sinh học và ngược lại, rất nhiều thầy cô lại phải đi thuyết phục một số cha mẹ nào đó là không nhất thiết phải bắt con học nhiều như vậy đâu. Ở đây thật ra yêu cầu rất đơn giản: hiểu đúng vai trò của học tập như thế nào trong đời sống mỗi con người. Ví dụ như bản thân tôi không phải nói kiêu căng, nhưng tôi cảm thấy bản thân mình càng ngày càng giỏi hơn bất chấp tuổi tác, vì tôi được trang bị từ nhỏ một quan niệm đúng đắn từ bà cụ thân sinh: tính ham học và xác định học tập là quá trình cả đời.
Nếu ai cũng xác định như thế, thì cũng sẽ hiểu với con cái của mình, điều cần là xây dựng cho con ý thức học tập tự giác và một đức tính ham học, sẵn sàng học hỏi bất cứ lúc nào, từ bất cứ ai. Từ đó cần đi cùng con xây dựng thêm những đức tính, hay nói cách khác là những thói quen tốt như tính cẩn thận không cẩu thả, thái độ “không học thì thôi, đã học là học cho nghiêm túc".
Cũng không nên hiểu tôi đề xuất tạo ra cho con cái một cuộc sống an nhàn đầy đủ “thoải mái trong mọi mặt". Tôi đã cố gắng phân định ranh giới trong vấn đề này trong nhiều cuộc nói chuyện với cha mẹ và cả trong sách: việc “buông xuống” của cha mẹ rất quan trọng, đặc biệt là trong cái suy nghĩ là con phải đạt được cái nọ cái kia nhất là lại đem điểm số, đỗ đạt ra để đánh giá rất cơ học; nhưng đồng thời việc rèn giũa cho con cái tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, đã làm là làm đến cùng ngay cả trong việc học tập là hết sức cần thiết.
Đối lập với việc gây sức ép, nhiều cha mẹ lại tạo ra cho con sự thoải mái quá đáng và đó lại là một dạng nhầm lẫn khác. Con cái không được luyện tập với sức ép và thử thách, nhất là thử thách khi thất bại, thì khả năng việc ý chí bị bẻ gẫy cũng hoàn toàn có thể xảy ra, và nếu có ai đó nói với tôi rằng cháu nào đó “không chịu nổi nữa và tìm đến giải pháp tiêu cực” thì cũng có thể hiểu rằng, đã đến lúc ý chí của cháu bị gãy vụn.
Chúng ta cũng không nên quên là rất nhiều cha mẹ đang đặt lên con những sức ép thường xuyên hiện nay, lại là những “ngôi sao dạy con” nhận được nhiều ngưỡng mộ. Đáng chú ý là những ngôi sao đó đang áp dụng rất nhiều những thứ ngoại lai được coi là “tiến bộ” hay “cấp tiến” gì đó. Người quen của tôi cũng có những bác như vậy: coi việc con mình kiếm được những thành tích để khoe lên mạng xã hội là sự nghiệp cả cuộc đời, thậm chí muốn đạt của những thứ mà hầu như không ai đạt được như điểm IELTS rất cao ngay cả với học sinh trung học hay sinh viên khi con ở lứa tuổi cấp 2.
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Những thành tích đó không đảm bảo sau này con của chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc. Mà mục đích của giáo dục phải tạo ra được những con người biết sống hạnh phúc, biết tạo lập cho bản thân và gia đình mình cuộc sống hạnh phúc.
Khi tôi viết những dòng này cho các bố mẹ, với vài gia đình mọi chuyện đã quá muộn, nhưng với hầu hết thì vẫn còn nguyên cơ hội. Về kỹ thuật thì tôi xin chia sẻ thế này: con vào trung học là lúc cha mẹ phải lựa từng lời để nói với con, đón từng ý của con để giao tiếp với chúng, không còn là lúc muốn mắng cái gì thì mắng nữa. Lúc gò, rèn… con là lúc còn còn nhỏ, còn lúc con đã bước vào tuổi dậy thì, không còn làm như vậy được nữa, mà con đã cần được đối xử như người lớn rồi. Lúc này con là bạn, không phải là “thực thể chịu cưỡng bức” nữa.
Cũng chính những ngày vừa rồi, tôi nói với con trai học lớp 11 của mình: con đã được ba dạy con biết hàn điện, đến hè con nên đi thi xếp bậc tay nghề đi và cả nghề điện dân dụng nữa. Với vốn ngoại ngữ của con, thì hết trung học con thử đi tình nguyện giúp một đất nước ở Châu Âu đang bị chiến tranh tàn phá đi. Hãy lao động để biết mình cần gì và sẽ làm gì cho cả cuộc đời. Sau đó con có thể chọn làm công nhân tiếp hoặc học lên đại học chẳng hạn kỹ thuật điện hoặc công nghệ hàn công nghiệp… Đó là một gợi ý, nhưng con cũng có thể chọn vào đại học luôn nếu con muốn. Ba mẹ luôn ủng hộ con trong mọi lựa chọn một con đường bước vào cuộc đời.
Phúc Lai là luật gia, tác giả các cuốn sách: - Chuyện con chuyện cha - Dạy con dạy cha - Chuyện cha con chúng ta là đồng bọn - Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu |
(PLO)- Chiều 1-4, Đại học Quốc gia TP.HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh đã ký kết hợp tác thực hiện Chương trình "Ươm mầm tài năng Toán và trí tuệ nhân tạo (AI)".