BV dã chiến Củ Chi là nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiều thứ hai trên cả nước sau BV Bệnh nhiệt đới trung ương. BV đã điều trị khỏi bệnh cho 36 bệnh nhân và hiện chỉ còn một bệnh nhân đang điều trị.
Tinh thần phục vụ quên thân
Những ngày giữa tháng 5, tại khu hành chính của BV, các bác sĩ, điều dưỡng đang tập trung với công việc của mình. Trên dãy bàn đơn sơ, những đôi mắt dán vào màn hình, tiếng lóc cóc gõ bàn phím lâu lâu lại bị tiếng ve át đi.
Ở một góc bàn, chúng tôi thấy một số quà tặng, cuốn sổ nhật ký xinh xắn, hình ảnh kỷ niệm trong khu cách ly được đóng khung trang trọng.
BS Nguyễn Trần Hoàng Tú, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp của BV, cho chúng tôi hay đó là nhắn gửi của các bệnh nhân và người được cách ly trước khi ra về.
Chữ viết không bày tỏ hết tình cảm, một nhóm bốn bạn trẻ được xuất viện đầu tiên ở BV còn vẽ lại nhật ký sinh hoạt của chính mình trong mối tương tác với các nhân viên khi được điều trị tại nơi đây. Đó là hình ảnh một cô gái đang nằm trên giường được đánh thức bởi một y công: “Dậy ăn sáng. Bún nở rồi. Đồ ăn anh để ở ngoài nha” hay lời nhắc nhở: “Nè em ơi, đeo khẩu trang vô”...
BS Tú nhớ lại những ngày đầu BV hoạt động đúng với tên gọi dã chiến, nhân sự và cơ sở vật chất đều thiếu thốn, tạm bợ. Ban đầu một căn phòng chỉ rộng 20 m2 là nơi làm việc của 20 người. Chỗ ngủ còn eo hẹp hơn khi chỉ có 10 m2, không giường chiếu, mọi người phải ngủ dưới đất. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, nhất là trong tháng 3, khi BV chưa đi vào ổn định, giấc ngủ thường là xa xỉ bởi các nhân viên hầu như phải thức trắng đêm để lo việc.
Bốn bệnh nhân xuất viện đầu tiên của BV dã chiến Củ Chi tặng hoa cám ơn bác sĩ. Ảnh: NT
Nhiều lần thót tim
Theo BS Tú, BV dã chiến Củ Chi chịu trách nhiệm điều trị các bệnh nhân COVID-19 đa phần là nhẹ, có ít triệu chứng như ho, sốt. Những trường hợp nặng đòi hỏi chăm sóc bởi phương tiện kỹ thuật tốt hơn sẽ được chuyển vào BV Bệnh nhiệt đới TP để điều trị tiếp. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa BV dã chiến Củ Chi bớt gánh lo. BV còn phải chăm sóc sức khỏe an toàn cho người ở trong khu cách ly. Có những thời điểm khu cách ly đón cả 100 người, kíp làm việc phải thức trắng đêm để lo lắng chỗ ở, chú ý sức khỏe cho họ.
Có những tình huống không lường trước được đã xảy ra khi một bệnh nhân mắc COVID-19 có bệnh lý nền đái tháo đường chủ quan khi nghĩ mình vẫn khỏe mạnh và không hề uống thuốc kiểm soát đường huyết, kết quả xét nghiệm rất xấu. Trong đêm, bác sĩ phải tức tốc chỉnh lại chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh và thuyết phục người bệnh hợp tác. “Ở đây, chúng tôi không thể nào ở bên bệnh nhân suốt 24/24 giờ được” - BS Tú kể. Nhờ biến cố này, người bệnh hiểu ra và tích cực hợp tác.
Trong số người cách ly ở BV dã chiến Củ Chi có cả thai phụ. Thai phụ này là một trong những người được tiếp nhận đầu tiên ở BV do có di chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Trong khu cách ly, bệnh nhân có dấu hiệu dọa sẩy thai, ngay lập tức BV phải hội chẩn chuyên khoa sản và đều đặn cử người đến theo dõi sát sao sức khỏe thai phụ cho đến khi đủ thời gian cách ly và ra về an toàn.
Ngoài ra, một trường hợp có bệnh lý nền tim mạch, tăng huyết áp, suy tim độ 3, 4, từng đặt máy tạo nhịp, bị rung nhĩ. Trong đêm, bệnh nhân đột nhiên lên cơn phù phổi cấp. Các bác sĩ phải gấp rút hội chẩn các chuyên khoa tim mạch, hồi sức qua điện thoại để xử lý hạ huyết áp, giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân.
Vui lây với bệnh nhân
BS Tú chia sẻ trải qua những tháng ngày chống dịch gian nan, điều quý giá nhất mà bản thân mình và nhân viên của BV dã chiến Củ Chi nhận được là tình cảm quý mến của người dân và các bệnh nhân, người được cách ly. Người dân xung quanh khu vực thỉnh thoảng lại vào tận nơi tài trợ cho đội ngũ y, bác sĩ những món quà quê như bắp, khoai mì hấp nước dừa thơm lừng.
Qua nhiều năm tiếp xúc nhiều ca mắc bệnh truyền nhiễm tại BV Bệnh nhiệt đới, chị Lê Thị Thu Hương được phân công làm trưởng Phòng điều dưỡng BV dã chiến Củ Chi chia sẻ rằng chị và các y, bác sĩ nơi đây luôn nghĩ ca nào cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh nên phải cố gắng đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Theo chị Hương, ở BV dã chiến không chỉ có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng mà còn có nhiều chiến sĩ áo xanh tình nguyện, không có chuyên môn và chưa quen với công việc nên các y, bác sĩ phải theo sát và hướng dẫn thật vất vả với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn cho tất cả.
Chị Hương cho biết trong thực tế, BV vẫn còn đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và một số bệnh nhân tái dương tính nên chị và đồng nghiệp vẫn luôn luôn cảnh giác. Mỗi sáng chị vẫn đi lòng vòng kiểm tra các phòng và làm công việc như hai tháng qua chị đã làm với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Là nỗ lực chống dịch của ngành y tế TP BV dã chiến Củ Chi là một trong ba BV chuyên điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM. Mô hình BV dã chiến này lần đầu được triển khai tại TP, đây được xem là nỗ lực chống dịch của ngành y tế TP. Chỉ trong vòng một tuần thành lập từ một trường huấn luyện quân sự, BV đã sẵn sàng nhận bệnh nhân từ ngày 11-2. Thời gian qua, BV đã tiếp nhận và điều trị cho 39 bệnh nhân, hiện còn 3 bệnh nhân đang điều trị, trong đó hai ca là tiếp viên hàng không của hãng Vietnam airlines được Bộ y tế công bố vào ngày 18-5. |