Những người thầy được học sinh gọi là cha

Chiều 9-1, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 21 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cấp học tại TP. Dưới đây là tâm sự của một số nhà giáo ưu tú luôn “sống chết với nghề”.

Cô NGUYỄN THỊ ĐỈNH, giáo viên (GV) Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ:

Tôi từng khóc tại nhà học sinh muốn bỏ học

Cô NGUYỄN THỊ ĐỈNH

Tôi đã có 23 năm làm nghề giáo và nhiều năm gắn bó với ngôi trường THCS An Thới Đông, nơi hầu hết học sinh (HS) đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trường từng có nhiều HS phải bỏ học giữa chừng. Vì vậy, công việc dạy học của tôi luôn gắn liền với những chuyến đi vận động HS quay trở lại trường. Tôi đến tận nhà từng HS muốn bỏ học để nghe và hiểu nỗi vất cả của các em, đồng thời khuyên nhủ các HS của mình. Có lần tôi đã bật khóc tại nhà HS muốn bỏ học, bởi đó là một ngôi nhà rất xộc xệch và trong nhà chẳng có gì đáng giá. Cha của em HS bệnh nằm một chỗ, mẹ bỏ đi biền biệt, trong khi đứa trẻ phải đi cào ngao mỗi ngày để lấy tiền kiếm sống. Hiểu được hoàn cảnh ngặt nghèo của tôi đã tự bỏ tiền túi mỗi tháng để giúp đỡ. Và vì thế em đã có thể quay lại lớp học với thầy cô, bạn bè.

Việc khuyên bảo các em quay lại trường không hề đơn giản. Vì vậy, tôi luôn cố gắng làm hết sức, tranh thủ mọi lúc để trò chuyện với cha mẹ và các em. Mỗi lần vận động được một HS quay lại với lớp học là một lần tôi đánh dấu niềm hạnh phúc làm nghề của mình.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (giữa), trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho 21 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cấp học tại TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Có không ít HS sau khi trở lại trường đã đạt được thành tích cao trong học tập và sau này có công việc ổn định. Đời làm nghề giáo của tôi vui nhất là khi nghe được cha mẹ của các em kể: “Thằng Tùng nhà tôi nhắc đến cô suốt. Tùng bảo nếu không có cô lặn lội đến tận nhà động viên, khuyên bảo con tiếp tục đi học, chắc con sẽ không có được ngày hôm nay”. Hay khi tôi nhận được những tin nhắn của các em vào các ngày lễ: “Trong cuộc đời đi học, cô là người con thương nhất”.

Thầy VƯƠNG MỘNG LONG

Thầy VƯƠNG MỘNG LONG, GV Trường Tiểu học Cần Thạnh, huyện Cần Giờ:

Tôi được các học trò gọi là “ba”!

Tôi đã từng có 13 năm công tác tại xã đảo Thạnh An, một trong những xã đảo kinh tế còn khó khăn. Từ khi về xã đảo dạy học, chứng kiến cuộc sống khó khăn của các em, tôi lại càng cảm thấy thương và gắn bó với nơi này. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là thường được học trò gọi là “Ba!” một cách thiêng liêng, trìu mến. Khi dạy ở trường, một buổi tôi đi dạy, buổi còn lại tôi phải trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn cho nhiều HS có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhiều lần HS bỏ học, tôi cũng là người tìm đến từng nhà, gặp từng người thân để vận động các em trở lại trường.

Thầy TRẦN CÔNG DANH, GV Trường THPT Lý Thường Kiệt:

Nếu không yêu nghề, tôi đã bỏ cuộc

Thầy TRẦN CÔNG DANH

Danh hiệu Nhà giáo ưu tú là niềm mơ ước của nhiều người làm trong ngành giáo dục. Bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động khi nhận được danh hiệu cao quý này. Đây là thành quả, danh hiệu của cá nhân nhưng đó là sự đóng góp của cả tập thể vì đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu hết mình.

Trong suốt mấy chục năm theo nghề, nhiều khi vì khó khăn của cuộc sống, tôi đã có mấy lần định rời xa bảng đen phấn trắng. Thế nhưng chính tình cảm của các học trò đã giúp tôi vững lòng bám trụ nghề đến nay. Hơn nữa, tôi từng là học trò của Trường THPT Lý Thường Kiệt, có may mắn được học những thầy giáo rất giỏi và tâm huyết tại đây. Cho nên khi tôi được đứng trên bục giảng, ở môi trường mà bản thân mình đã được đào tạo, tôi tự hứa sẽ phải làm việc hết sức mình để cảm ơn những người thầy ngày xưa đã dìu dắt mình.

Danh hiệu Nhà giáo ưu tú mà mỗi thầy cô nhận được không chỉ là niềm vui của riêng các thầy cô mà còn là niềm tự hào của tập thể chuyên môn, của trường và của cả TP.

Ông LÊ HỒNG SƠNGiám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Niềm vui lớn nhất của tôi trong cuộc đời làm nghề giáo là khi HS thích thú với những giờ học của mình. Có cô học trò học rất giỏi. Đến khi em đăng ký thi đại học, nhiều người thân thắc mắc vì sao không chọn ngành y mà lại chọn ngành sư phạm, thích trở thành một GV giảng dạy môn sinh học. Em bảo chính những bài dạy của thầy Danh đã khiến em chọn lựa ngành nghề này. Nghe được điều đó, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Cô TRƯƠNG THỊ ÁNH NGỌC, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận 1:

Không yêu trẻ thì không dạy được mầm non

Cô TRƯƠNG THỊ ÁNH NGỌC

Tính đến thời điểm này, tôi đã 34 năm theo nghề giáo. Thú thật là nhờ có tình yêu đặc biệt với trẻ con nên tôi mới có thể theo đuổi nghề đến tận hôm nay.

Hiệu trưởng ở các cấp học khác đã vất vả, hiệu trưởng ở bậc mầm non còn vất vả hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sau những vụ bạo hành xảy ra, ngành này càng được dư luận quan tâm và chú ý. Vì thế, là một hiệu trưởng, bản thân tôi luôn tâm niệm và quán triệt với đội ngũ GV là phải luôn yêu trẻ như con ruột, phải làm sao để trẻ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Và làm thế nào để phụ huynh cảm thấy yên tâm mỗi khi gửi con ở trường. Để làm được điều đó thì trước hết bản thân mình phải làm tấm gương trong tất cả mọi việc.

Để ngôi trường mầm non phát triển thì phải luôn luôn đổi mới và người hiệu trưởng phải là người đi đầu trong các hoạt động đó. Vì vậy, từ khi về trường tôi đã tiến hành đổi mới toàn bộ, từ thay đổi môi trường học đường cho đến thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức chăm sóc trẻ. Trường học phải luôn sạch sẽ, khang trang, các tiết học có sự giao lưu giữa cô trò để tạo nên sự gắn kết.

Bản lĩnh nghề qua 7 lần “thử lửa”

Nhà giáo ưu tú là danh hiệu cao quý của ngành giáo dục và chỉ được xét tặng mỗi ba năm/lần. Danh hiệu được trao cho GV và cán bộ quản lý đã có những đóng góp, cống hiến cho ngành, đồng thời đáp ứng được các tiêu chí theo quy định.

Cụ thể, GV phải có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, đi đầu trong đổi mới giáo dục dạy học, bảy lần đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc bảy lần đạt danh hiệu GV dạy giỏi cùng cấp.

Ngoài ra, nhà giáo phải có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 15 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm, trong đó ít nhất 10 năm trực tiếp đứng lớp... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm