Những thủ lĩnh thanh niên 'làm công không lương vì cộng đồng'

(PLO)- Các nước Đông Nam Á đang chứng kiến một làn sóng gây cảm hứng, ngày càng nhiều thủ lĩnh thanh niên dấn thân, cống hiến hết mình góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi cá nhân và cộng đồng. Ở khu vực Đông Nam Á, ngày càng nhiều cá nhân thanh niên nổi lên như những nhà lãnh đạo tương lai trong việc thúc đẩy các dự án giáo dục.

Sự nỗ lực và cam kết của họ không chỉ mang lại cơ hội học tập tốt hơn cho bản thân mà còn là nguồn động viên lớn cho hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác cùng hết mình nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm và trách nhiệm xã hội của thanh niên Đông Nam Á đối với tương lai của mình và cộng đồng.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, nhiều thủ lĩnh trẻ - những cá nhân vô cùng tâm huyết và tài năng ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ những hoài bão, động lực thúc đẩy họ bắt tay thực hiện những “công việc không lương vì cộng đồng”.

Thủ lĩnh thanh niên-Dự-án-giáo-dục-của-thanh-niên-ĐNA-Trọng-điểm.jpg
(Từ trái sang phải) Các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á: Patricia Andrea Superiano Flores, Shun Lai Pyae Sone, Margerie H. Concha, Lưu Thùy Dương. Ảnh: NVCC

Chắp cánh giấc mơ trẻ

Đối với các bạn trẻ, cụm từ “giáo dục” không chỉ là dạy chữ nghĩa hay con số mà còn là quá trình giúp rèn luyện kỹ năng, giáo dục hướng nghiệp, truyền bá những thông điệp tích cực, vừa hướng tới cộng đồng lý tưởng, vừa thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Tại Philippines, bạn Margerie H. Concha là nhà sáng lập dự án BRIDGE (Cầu nối), được Tổ chức từ thiện cho trẻ em Trao và Phục hồi hy vọng (GRHCC, trụ sở Canada) và Hội đồng chính quyền huyện Banlag (TP Valencia, Philippines) bảo trợ. Dự án này nhằm mục tiêu xây dựng năng lực đọc cho học sinh ở cộng đồng bản địa Sumpong (huyện Banlag) thông qua việc dạy đọc chữ và cung cấp giáo trình, sách vở - hay nói cách khác là “cầu nối” mang con chữ đến vùng sâu, vùng xa của Philippines.

“Việc giải quyết những khó khăn trong đọc hiểu của người học là bước đệm đầu tiên để các em tiếp thu kiến thức. Điều này sau đó sẽ trở thành nền tảng của nền giáo dục có chất lượng, mang lại cơ hội bình đẳng trên nhiều phương diện cho học sinh bản địa” - Margerie chia sẻ và cho biết số liệu hiện tại rất khả quan khi chỉ trong tháng 1 vừa qua đã giúp được hơn 100 học sinh vùng cao và dự kiến con số này sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.

Cùng quan điểm này, bạn Shun Lai Pyae Sone, thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) ở Myanmar, cũng đang triển khai dự án Nway Htway Eain (Mái ấm yêu thương) với mục tiêu hợp tác cùng những cộng sự cùng chí hướng mở lớp dạy các trẻ em cơ nhỡ, vô gia cư kỹ năng may vá, thêu thùa.

Như Shun chia sẻ, dự án tận dụng nguồn lực của các đối tác là các hãng thời trang địa phương, viện thiết kế thời trang, các tổ chức cộng đồng ở Yangon (TP lớn nhất Myanmar) để mở các lớp đào tạo kỹ năng, cũng như tạo cơ hội việc làm cho các em để “ít nhất hy vọng các em có nghề và thoát nghèo”.

Dự án hiện chỉ đang ở bước đầu triển khai nên vẫn chưa thống kê số liệu cụ thể, song đã nhận được nhiều đánh giá cao khi trình bày tại ĐH Portland State (bang Oregon, Mỹ) trong khuôn khổ sáng kiến YSEALI do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.

Bảo vệ sức khỏe tâm thần

Với dự án “Phái nữ làm sếp” (FLE), bạn Lưu Thùy Dương (Việt Nam) cùng bốn cộng sự lan tỏa thông điệp tích cực giúp giảm thiểu áp lực đối với phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, cũng như phổ biến thông tin về giải quyết định kiến giới cho các bạn sinh viên trong khu vực TP.HCM. Dự án FLE đã được Liên minh châu Âu cùng tổ chức phi chính phủ quốc tế Oxfam và Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ.

“Giáo dục là yếu tố quyết định quan trọng đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của con người. Giáo dục trao quyền cho các cá nhân, cung cấp cho họ các công cụ và cơ hội để cải thiện điều kiện sống, đưa ra quyết định sáng suốt và tích cực đóng góp cho cộng đồng” - Patricia Andrea Superiano Flores, cán bộ hòa bình tại Văn phòng cố vấn tổng thống Philippines về hòa bình, hòa giải và thống nhất.

“Dự án này xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của mình cũng như của các thành viên nhóm nòng cốt dự án. Mình nhận thấy rằng dù ở trong cùng một vị trí lãnh đạo và cùng một phong cách quản lý, nữ giới sẽ thường phải chịu nhiều phán xét về mặt tính cách và phải mang trên vai cùng lúc nhiều trách nhiệm xã hội hơn phái nam” - Thùy Dương chia sẻ.

Thùy Dương cho biết dự án đạt nhiều kết quả khả quan. Các bài đăng trên kênh Facebook đạt hơn 6.000 lượt tiếp cận. Tọa đàm mà nhóm tổ chức bàn về áp lực giới lên vai trò lãnh đạo của phụ nữ đã thu hút được sự quan tâm của hơn 500 bạn sinh viên trong địa bàn TP.HCM.

Cũng là một dự án tác động tới ý thức con người, bạn Patricia Andrea Superiano Flores, cán bộ hòa bình tại Văn phòng cố vấn tổng thống Philippines về hòa bình, hòa giải và thống nhất (OPAPRU), đang thực hiện dự án “MasterIPeace” nhằm thúc đẩy giáo dục hòa bình cho trẻ em ở các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Philippines.

Theo Patricia, khoảng 68% vụ xung đột ở Philippines đến từ các cộng đồng bản địa. Nhóm nhân khẩu học này “đặc biệt dễ bị tổn thương” do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm việc nhận thức không đủ về các quyền cơ bản của họ, sự cô lập về mặt địa lý, những bất bình lịch sử chưa được giải quyết và thiếu kỹ năng giải quyết xung đột. Những điểm dễ bị tổn thương này bị các nhóm bạo lực khai thác, truyền bá và huy động thanh niên bản địa hành động bạo lực.

Trước thực tế này, dự án mở các lớp giáo dục về hòa bình, hòa giải, hỗ trợ sức khỏe tâm thần và làm rõ các vấn đề nhạy cảm và hòa nhập văn hóa cho thanh niên các cộng đồng địa phương, từ đó xây dựng một cộng đồng thân thiện và hòa nhập hơn. Dự án được OPAPRU và YSEALI cùng tài trợ.

“Đối với người dân bản địa, việc tiếp cận nền giáo dục hòa nhập và tránh các yếu tố nhạy cảm về văn hóa thậm chí còn quan trọng hơn. Đó là con đường để bảo tồn bản sắc văn hóa của họ, đồng thời đảm bảo các quyền và cơ hội phát triển của họ được duy trì” - Patricia nhấn mạnh. •

“Là người trẻ, tôi muốn nói rằng…”

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, các bạn trẻ đầy tâm huyết gửi đến thế hệ thanh niên trẻ hiện nay đôi lời tâm tình rút từ trải nghiệm “làm công không lương” của họ vì mục tiêu xây dựng cộng đồng ngày một tốt hơn.

“Mình tin rằng việc bạn có thể hoàn thành một công việc, một mục tiêu, hay chỉ đơn giản là một bài tập nhỏ mà bạn nghĩ rằng quá khó để hoàn thành trong hôm nay, nằm ở chỗ bạn có thể đứng lên và bắt đầu thực hiện chúng hay không, chứ không nằm ở tài năng hay kỹ năng mà bạn nghĩ bạn cần có. Mọi kỹ năng đều được trui rèn theo thời gian và chúng bắt đầu từ lần đầu bạn dám làm gì đó “vượt quá” khả năng hiện tại của mình” - Thùy Dương chia sẻ.

Phần mình, Patricia nói rằng: “Giống như những trang sách trắng, tương lai của bạn chứa đựng những khả năng vô tận. Đừng sợ những điều chưa biết mà hãy dấn thân vào nó”.

Bạn Shun kêu gọi các bạn trẻ “hãy tin vào bản thân và khả năng của mình, ngay cả khi phải đối mặt với thử thách hoặc thất bại”. Trong khi đó, Margerie cũng nhấn mạnh rằng “đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của ước mơ”, vì nó là nguồn động lực tuyệt vời để bạn sống hết mình vì mục tiêu mà bạn ấp ủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm