Hỏi giùm bạn

Những trường hợp nào thì nghỉ việc không cần báo trước?

Tôi đang làm việc cho một công ty tại TP.HCM với thời hạn hợp đồng là một năm. Tuy nhiên, tôi chuẩn bị nghỉ việc và nghe nói theo quy định của pháp luật thì khi nghỉ việc, người lao động (NLĐ) phải báo trước một khoảng thời gian nhất định.

Xin hỏi trường hợp nào thì NLĐ nghỉ việc mà không cần báo trước?

Bạn đọc Ngoc Anh (TP.HCM)\

Bộ luật Lao động quy định 7 trường hợp người lao động nghỉ việc
không cần báo trước. Ảnh: P.ĐIỀN

Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019 quy định NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn.

NLĐ phải báo trước ít nhất 30 ngày, nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, và báo trước ít nhất ba ngày làm việc nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, nếu rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ thì NLĐ nghỉ việc mà không cần báo trước. Một số trường hợp có thể kể đến như:

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ.

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động.

- Người sử dụng lao động không trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn (trừ trường hợp chậm trả lương vì lý do bất khả kháng)…

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, nếu NLĐ rơi vào một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 BLLĐ thì nghỉ việc không cần báo trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới