Nở rộ dịch vụ phục vụ tận cửa, tận bàn mùa dịch

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM mới đây đã có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang đi, giữ khoảng cách 2 m giữa hai người, đảm bảo an toàn khi giao nhận hàng… Trước đó, nhiều tỉnh, thành cũng đã tạm ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống COVID-19.

Chỉ bán mang đi

Trước quy định mới, hàng loạt quán ăn, nhà hàng thông báo chỉ bán mang đi, giao hàng tận cửa. Tại các tuyến đường như Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh…, phần lớn hàng quán đã chấp hành nghiêm túc chủ trương tạm ngưng kinh doanh hoặc không bán tại chỗ.

“Chúng tôi chuyển hẳn sang bán online và mua mang về. Nghĩa là chúng tôi đã áp dụng phương thức giao đồ ăn toàn bộ, không phục vụ khách trực tiếp tại quán. Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn khách sử dụng các tính năng mua mang về hoặc đặt giao hàng tận nơi” - chủ một quán cơm gà trên đường Lạc Long Quân cho biết.

Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, các ứng dụng như Be, Grab... đã mở các dịch vụ đi chợ hộ, mua hàng hộ. Thông tin từ Grab cho biết vừa triển khai thử nghiệm tính năng GrabMart cho phép người dùng chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, rau củ quả... từ các cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ, siêu thị liên kết.

Theo đó, người dùng chỉ việc ở nhà đặt mua, đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các đơn vị liên kết. Không chỉ Grab, ứng dụng gọi xe Be cũng tung ra thị trường tính năng “Be đi chợ” với hóa đơn không quá 500.000 đồng.

Chị Phạm Lê Bảo An (quận 2, TP.HCM) cho biết: “Lâu nay tôi rất ít khi mua sắm online vì muốn tự tay chọn lựa nhu yếu phẩm hằng ngày. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch và nhận được khuyến cáo tránh tụ tập nơi đông người, gia đình tôi dần làm quen với cách mua sắm mới này”.

Cũng giống như chị Bảo An, chị Đỗ Hồng Thu (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho hay việc mua sắm trực tuyến giúp chị không phải chen lấn, tiếp xúc với nhiều người.

“Việc mua sắm online từ chai dầu ăn, chai nước mắm cho tới cuộn giấy vệ sinh hay rau củ quả đều thực hiện trên điện thoại. Người giao hàng cũng tuân thủ các quy định an toàn mùa dịch như đeo khẩu trang, đứng cách xa khi nhận đồ và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt” - chị Thu nói.

Rất nhiều quán hiện chỉ bán mang về, không bán tại chỗ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hàng quán nhỏ vào cuộc

Các đơn vị thương mại điện tử cho hay bội thu trong mùa dịch. Tiki thông tin đơn hàng trên sàn này tăng trưởng mạnh. Ngoài sách là sản phẩm chủ lực tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém. Cao điểm, ước tính sàn phát sinh 4.000-5.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục, đại diện Tiki chia sẻ.

Đại diện Lazada cũng ghi nhận trong bốn tuần qua, nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%; ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%; ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%. Siêu thị Saigon Co.op thì ước tính đơn hàng giao dịch thông qua kênh trực tuyến tăng gấp 10 lần so với ngày thường.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các hàng quán nhỏ cũng tham gia bán hàng trực tuyến và ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Chị Lan Anh, chủ tiệm ẩm thực chuyên bán các món Huế đặc sản ở quận 3, TP.HCM, cho hay: Trước tình trạng dịch bệnh, tiệm chị đã mở thêm các kênh bán hàng trực tuyến, không chỉ thông qua các ứng dụng giao hàng mà còn là website hay nền tảng Facebook. Hiệu quả rất rõ rệt: Lượng khách đặt qua ứng dụng GrabFoods, Now, Baemin tăng 30% so với trước đây; các tin nhắn đặt hàng thông qua website, Facebook tăng 10%.

Giao hàng không tiếp xúc

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, chia sẻ ngoài việc gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa, đơn vị còn đề cao việc đảm bảo an toàn cho nhân viên vận chuyển và người dùng Shopee.

“Tất cả nhân viên vận chuyển hàng hóa của chúng tôi và đối tác vận chuyển đều được yêu cầu đeo khẩu trang trong thời gian làm việc, tích cực rửa tay và sát khuẩn” - ông Tuấn Anh cho hay.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm đối với các đơn hàng đã thanh toán trước, người mua có thể yêu cầu giao hàng không tiếp xúc bằng cách yêu cầu người giao hàng đặt hàng tại vị trí chỉ định từ 2 m để xác nhận đã nhận hàng, người giao hàng sẽ chụp lại ảnh người nhận thay cho việc ký nhận trực tiếp.

Ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan, thông tin hiện sàn này đang thực hiện chiến dịch “An tâm mua sắm tại nhà”. Trong đó, nổi bật là phương thức giao hàng không tiếp xúc. Cụ thể, đơn vị này đang đẩy mạnh dịch vụ lấy hàng tự động thông qua tủ khóa thông minh (smart locker) trên 20 địa điểm ở TP.HCM và Hà Nội. Theo đó, người mua có thể lấy hàng mọi lúc và hoàn toàn tự động sau khi đặt hàng bằng cách quét mã QR nhận qua email hoặc nhập số điện thoại và mã OTP để mở tủ khóa.

“Đây có thể coi là giải pháp giúp cho khách hàng có thể chủ động nhận hàng mà không cần gặp gỡ, tiếp xúc ở khoảng cách gần với nhân viên giao hàng hay nhà bán hàng” - đại diện Lazada nhấn mạnh.

Cơ hội cho bán hàng trực tuyến

Một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố mới đây chỉ ra mua sắm trực tuyến đã tăng lên với hơn 25% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trước.

Nở rộ dịch vụ phục vụ tận cửa, tận bàn mùa dịch ảnh 2
Hiện các sàn thương mại điện tử bắt buộc người giao hàng đeo khẩu trang, đứng cách xa khách hàng 2 m… Ảnh: HOÀNG GIANG 

Ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận thấu hiểu hành vi người tiêu dùng Nielsen, nhận định: “Người Việt hiện nay đang dành nhiều thời gian trên mạng và mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Việc này tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến”.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đánh giá do lo sợ lây nhiễm dịch COVID-19 nên kênh mua sắm online được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, các nhà kinh doanh cần nắm thị hiếu tiêu dùng, thay đổi nhóm hàng phù hợp với nhu cầu mua sắm online của người dân.

Video đang xem nhiều

Đọc thêm