Nợ xấu trong bất động sản, chứng khoán khá lớn, tiềm ẩn rủi ro

(PLO)- Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá tỉ trọng nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán là khá lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 24-5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày trước Quốc hội (QH) báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017.

Nợ xấu bất động sản, chứng khoán chiếm tỉ trọng lớn

Thống đốc NHNN khẳng định nợ xấu của hệ thống này thời gian qua đã được xử lý, kiểm soát. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% và liên tục giảm trong các năm triển khai Nghị quyết 42 (tính đến cuối các năm 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 1,99%, 1,94%, 1,63% và 1,69%).

Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190,48 nghìn tỉ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2.076,7 nghìn tỉ đồng (bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tổng nợ xấu lĩnh vực bất động sản là 34,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống. Trong số này, nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động là 13,24 nghìn tỉ đồng, nợ xấu đối với nhu cầu mua nhà ở hoặc tự sử dụng là 21,47 nghìn tỉ đồng.

Ở lĩnh vực tiêu dùng, dư nợ tín là 2.081,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48,65 nghìn tỉ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống. Tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.

Đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10.934,3 tỉ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỉ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2021 trước QH sáng 24-5.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày báo cáo xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2021 trước QH sáng 24-5.

Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỉ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỉ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống. tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Thống đốc NHNN cho biết giai đoạn 2017-2021 các tổ chức tín dụng đã xử lý được 750,1 nghìn tỉ đồng nợ xấu (riêng năm 2021 xử lý được 151,9 nghìn tỉ đồng). Trong đó sử dụng dự phòng rủi ro (352,3 nghìn tỉ đồng, chiếm 47%), khách hàng trả nợ (220,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 29,4%), bán nợ cho VAMC (114,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 15,2%) và các hình thức xử lý nợ xấu khác (63,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 8,4%).

Tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế

Về nội dung này, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đánh giá với những đóng góp của Nghị quyết 42, trong giai đoạn 2017-2021, hơn 750 nghìn tỉ đồng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, nợ xấu cơ bản được kiểm soát.

“Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực là hơn 251 nghìn tỉ đồng và số chưa xử lý còn hơn 412 nghìn tỉ đồng” - báo cáo thẩm tra nêu.

Một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỉ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%). Nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và đầu tư, kinh doanh trái phiếu chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống, tuy nhiên lại chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực.

“Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế”- báo cáo thẩm tra nêu.

Theo đó, cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; đồng thời cho biết các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm