Trên các số báo trước, chúng tôi thông tin nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đẩy mạnh vận động người dân giao nộp vũ khí, pháo, vật liệu nổ...
Thế nhưng đâu đó ở những nơi vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên có người vẫn lén lút giấu vũ khí trong nhà và điều này gây ra nhiều câu chuyện đau lòng: có người mất mạng, đi tù hoặc tàn tật suốt đời.
Công an dựng lại hiện trường ông Ksor Nô đi săn, bắn anh TAH tử vong. Ảnh: CA |
Phát súng oan nghiệt lúc 5 giờ sáng
Nằm ở phía đông nam của tỉnh Gia Lai, huyện Krông Pa vừa có thảo nguyên rộng lớn, có rừng, núi và sông Ba nên người dân nơi đây giỏi săn bắt, bẫy rập... và đã có những tai nạn bi thương.
Ông Kpă Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Krông Pa, cho biết: Năm ngoái, trên địa bàn xã xảy ra vụ đi săn bắn chết người. Chuyện khó tin nhưng sự thật đã xảy ra khiến gia đình hai bên người bị nạn và người gây án đều lâm vào bi kịch. Sau đó, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí. Đến nay, không còn việc tương tự xảy ra.
Trong căn nhà cấp 4, ông Ksor Nô (60 tuổi, ngụ buôn Thim, xã Phú Cần, đang được tại ngoại) kể: “Tháng 10-2022, tôi đang ở lại trên chòi rẫy khu vực xã Ia Mlah thì nghe tiếng gà gáy lúc 5 giờ sáng. Tôi cầm súng men theo tiếng gà, lúc này sương mù vẫn còn dày lắm. Khi còn cách khoảng 10-15 m, tôi thấy trong bụi cỏ rung động nên nghĩ là con gà rừng, liền nổ súng. Khi tôi chạy đến nơi mới biết anh TAH bị trúng đạn”.
“Những ngày đầu trong phòng tạm giam, tôi bị ám ảnh nên không ngủ được. Công an cứ sợ tôi tự tử nên cũng túc trực canh gác. Nghĩ lại việc mình dùng súng săn bắn chết người, tôi rất hối hận và khuyên con cháu tuyệt đối không được dùng súng đạn nữa” - ông Nô nói.
Về nguồn gốc của súng, ông Nô cho biết ông nhặt được và mày mò độ chế thành súng săn.
Sau vụ việc, vợ chồng ông đã phải bán bốn con bò, vay mượn tiền để bồi thường trước cho gia đình nạn nhân hơn 100 triệu đồng.
Còn mẹ nạn nhân thì buồn bã nói: “Đến giờ tôi vẫn không tin con mình bị chết trong tình huống như vậy. Vợ chồng tôi suy sụp tinh thần, nhà tôi chỉ có hai đứa con... Tôi mong Nhà nước có những biện pháp mạnh xử lý những người dùng súng đạn trái phép, tránh những trường hợp gây chết người tương tự như đã xảy ra với con tôi”.
Cũng là việc dùng súng, cuối tháng 12-2022, Phạm Hữu Nha (ngụ xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) mang súng hơi cùng nhóm bạn vào rừng. Trong lúc cúi người qua bụi cây, cò súng bị vướng vào cành cây làm nổ súng, đạn trúng vào ngực anh PVĐ (29 tuổi, ngụ huyện Krông Bông, Đắk Lắk) khiến nạn nhân tử vong.
Thông qua mạng Internet, người dân dễ dàng tự chế tạo súng nên quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân ý thức được mức độ nguy hiểm, tự ý giao nộp.
Nước mắt của “đại gia” trẻ Jrai
Trong một ngày tháng 7, anh Ksor Nhim (44 tuổi, ngụ buôn Gum, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) một tay lái xe máy chạy công việc phụ giúp gia đình.
Thoát chết trong vụ nổ mìn tự chế, anh kể: Tháng 4-2020, trong lúc rảnh rỗi, anh lấy thuốc súng ra dùng thanh sắt để giã cho mịn, tự chế mìn đánh cá thì không may phát nổ.
Sau tiếng nổ lớn, cánh tay trái của anh không còn nữa, khắp người đều chi chít vết thương. Anh may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
“Ban đầu nghĩ cứ làm cho vui, không ngờ lại xảy ra chuyện như vậy. Nhiều lúc nghĩ cảm thấy ân hận, tự trách mình và khóc trong im lặng. Lắm lúc chán nản. Không đủ hai tay, làm việc gì cũng khó, kinh tế gia đình cũng sa sút theo” - anh Nhim tiếc nuối nói.
Sau tai nạn, người anh đầy vết thương, mất một tay nên phải bán ô tô, gia đình ngày càng khó khăn...
Đại úy Kpă Chiến, Trưởng Công an xã Ia Rmok, chia sẻ: “Anh Nhim là người làm kinh tế giỏi, có uy tín trong xã. Việc anh Nhim bị nổ mìn là vô cùng đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của anh mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Trong các đợt tuyên truyền, chúng tôi thường lấy câu chuyện của anh Nhim để cảnh tỉnh những người khác”.
Nguy cơ gây mất an ninh trật tự
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại úy Lê Xuân Vui, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Krông Pa (Gia Lai), cho biết: Việc người dân tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ vừa vi phạm pháp luật vừa nguy hiểm đến tính mạng của họ, nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Công an huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Đồng thời thành lập các mô hình thu hồi vũ khí tại các thôn, buôn.
Trong năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023 đã thu hồi gần 200 vũ khí, vật liệu nổ các loại. “Các loại vũ khí mà công an thu hồi hầu hết là vũ khí tự chế, người dân dùng cho mục đích săn bắt chim, thú rừng. Mô hình thu hồi hiệu quả nhất là thông qua những người uy tín trong làng để vận động người dân giao nộp” - Đại úy Vui cho biết.
Khó khăn nhất trong việc thu hồi vũ khí là người dân thường cất giấu trong rừng, rẫy nên rất khó phát hiện. Mặt khác, thông qua mạng Internet, người dân cũng dễ dàng tự chế tạo súng. Quan trọng nhất là người dân phải ý thức được mức độ nguy hiểm của vũ khí, từ đó tự ý giao nộp.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, chia sẻ: Để công tác thu hồi đạt hiệu quả thì lực lượng công an cần phải có các biện pháp nghiệp vụ nắm thông tin nhanh từ trong nhân dân, từ đó có hướng vận động giao nộp.
“Thường ở trong thôn, người hay đi săn bắn thì ai cũng biết. Do vậy, công tác nắm bắt địa bàn cần phải sát để có kế hoạch tuyên truyền cụ thể và vận động một cách hiệu quả nhất” - ông Thảo nói.•
Mang quả đạn về nhà tự xử lý và gây nổ
Ngày 25-3, anh A Nhi (thôn Kon Đao Yốp, xã Đắk Long, huyện Đăk Hà, Kon Tum) phát hiện một đầu đạn trên rẫy và mang về nhà. Sau đó, anh dùng rựa chặt vào quả đạn gây ra vụ nổ khiến ba người trong gia đình tử vong, ba người khác bị thương.