Trong nỗ lực ngăn ngừa nguy cơ tiềm tàng tội phạm cũng như những hậu quả thương tâm từ súng đạn, các loại vật liệu nổ, chính quyền các cấp trong đó có lực lượng công an, quân đội đã có nhiều mô hình hay trong vận động, động viên người dân tự giác giao nộp hung khí, vũ khí...
Tại Đắk Nông, các già làng, người có uy tín đã sát cánh cùng công an vận động người dân thực hiện việc này.
Già làng Điểu Mpiăr (giữa) trò chuyện với cán bộ công an. Ảnh: VŨ LONG |
Mục sư, già làng đồng hành cùng công an
Dáng người quắc thước, già làng Điểu Mpiăr (tên thường gọi Ma Phin, ngụ bon Bu N’Drung, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, Đắk Nông) nhớ lại thời điểm cùng người dân, chính quyền địa phương đánh FULRO hơn 20 năm trước. “Hồi đó, rừng cây còn nhiều là điều kiện để bọn FULRO ẩn nấp. Năm 2004, ngoài việc đánh bọn phản động, tôi còn thu được hơn 30 khẩu súng quân dụng. Nhờ có sự đồng lòng của người dân nên toàn dân đã quét sạch bọn này khỏi địa bàn” - già làng Điểu Mpiăr nhớ lại.
Gần đây, ở địa bàn xã Đắk N’Drung nổi lên thực trạng người dân tự làm hoặc mua súng tự chế, già làng Điểu Mpiăr lại đi vận động toàn bon tự giao nộp vũ khí, không tái phạm. “Khi người dân đi sinh hoạt ở nhà thờ, tôi đã phối hợp với mục sư nói người dân ai còn súng đạn thì giao nộp cho công an. Tự nguyện nộp lại là để bảo vệ mình, nếu không sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm theo quy định” - già làng Điểu Mpiăr nói.
Ông Điểu Njet (50 tuổi, ngụ cùng địa chỉ) cho hay ông vừa nghe thông tin thu hồi vũ khí, vật liệu nổ do già làng Điểu Mpiăr truyền đạt, ông nhớ người thân cũng có súng trong nhà nên đã vận động giao nộp.
“Cháu tôi học làm súng trên mạng, dùng để chơi đùa. Tiếp nhận thông tin từ già làng Điểu Mpiăr, tôi đến nhà vừa yêu cầu vừa động viên cháu phải tự mang súng này nộp cho xã Đắk N’Drung. Gia đình cháu vui vẻ đi giao nộp và hứa sẽ không cho con tự chế súng nữa” - ông Điểu Njet nói.
Công an tỉnh Đắk Nông thu hồi vũ khí từ người dân. Ảnh: MINH QUỲNH |
Tương tự, anh Phan Xuân Cường (33 tuổi, ngụ thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung) có mua một khẩu súng hoa cải trên mạng cách đây tám năm. Anh cho biết mua súng để săn gà rừng, nay tự nguyện giao nộp.
Đại úy Y Cường Niê, Phó Trưởng Công an xã Đắk N’Drung, cho hay thời gian qua, các mục sư, già làng đã đồng hành cùng công an xã trong việc vận động người dân tự nguyện giao nộp súng đạn. “Già làng cùng làm ban chấp sự của Chi hội Tin Lành ở bon Bu Đốp. Tại các buổi lễ, mục sư đã quán triệt với các tín đồ việc chấp hành quy định pháp luật. Riêng bon này thu hồi được bốn khẩu súng” - Đại úy Y Cường Niê nói.
Thượng tá Vũ Hồng Luyện, Phó Trưởng Công an huyện Đắk Song, cho biết không chỉ địa bàn xã Đắk N’Drung, người dân ở các khu vực đều ủng hộ, tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. “Năm 2022, qua vận động, chúng tôi đã thu 52 khẩu súng tự chế, sáu tháng đầu năm nay đã thu được 56 khẩu súng. Công an huyện đã phối hợp với quân đội tiêu hủy 3 súng phóng lựu M72, 4 đầu đạn pháo cao xạ, 10 kg đạn tiểu liên, 1 quả đạn pháo…” - Thượng tá Vũ Hồng Luyện cho hay.
“Khi người dân đi sinh hoạt ở nhà thờ, tôi đã phối hợp với mục sư nói người dân ai còn súng đạn thì giao nộp cho công an...”
Già làng Điểu Mpiăr
Tiếp tục đổi vũ khí lấy gạo, nhu yếu phẩm
Địa bàn xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) là nơi tập trung đông đúc người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do. Bà con nơi đây vẫn duy trì thói quen sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương và công an thực hiện vận động, đông đảo người dân đã không ngần ngại giao lại số vũ khí có trong nhà.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong, cho biết lực lượng công an huyện đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, có nhiều cách vận động mới. Nhờ vậy người dân đã tích cực tham gia tố giác, giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ cho cơ quan chức năng.
“Tới đây, Công an huyện Đắk Glong tiếp tục thực hiện hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực để đổi các loại vũ khí, vật liệu nổ từ người dân. Nhiều năm qua, địa bàn của chúng tôi thu hồi được nhiều loại vũ khí nhất ở tỉnh Đắk Nông” - Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho hay.
Công an tỉnh Đắk Nông đã phát tờ rơi, đăng tải các tin, bài, ký cam kết với người dân… liên quan đến việc vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí. Đặc biệt, có hàng trăm người có uy tín cùng hỗ trợ công an, chính quyền các cấp. Nhờ đó, năm 2022 và sáu tháng đầu năm 2023 đã thu hồi được 390 khẩu súng các loại.
Trong tháng 7-2023, Công an tỉnh Đắk Nông còn mở đợt cao điểm vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đang thực hiện đợt cao điểm vận động người dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức tuyên truyền đồng bộ trên website công an tỉnh; hệ thống truyền thanh cấp xã, lồng ghép vào các buổi họp dân ở cơ sở, sinh hoạt tôn giáo về nội dung này. Cùng với đó là phối hợp với Biên phòng tỉnh Đắk Nông, Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí… ở khu vực biên giới” - Thượng tá Đình Thanh Tùng nói.•
Tiếp nhận thông tin nộp vũ khí qua đường dây nóng
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa có thư kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo đó, người dân không tàng trữ, sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Tham gia tố giác, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm có liên quan đến tàng trữ, sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Mọi thông tin liên quan đề nghị báo về cơ quan công an nơi gần nhất hoặc điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh Đắk Nông 1900888848.