Nóng trong tuần

Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm “nhà làm”

(PLO)- Các cơ quan chức năng cần có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thực phẩm “nhà làm” được rao bán qua mạng để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

Video: Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm “nhà làm”

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, những thực phẩm chế biến thủ công được rao “nhà làm”, bán nhiều nhất là giò chả, lạp xưởng, củ kiệu, khô gà, khô bò, bánh kẹo…

Đa phần người bán hàng đều khẳng định 100% là hàng làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia và không phẩm màu độc hại… Tuy nhiên, bạn đọc lo lắng những thực phẩm “nhà làm” được bán qua mạng liệu có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn nhiều khoảng trống trong việc quản lý thực phẩm “nhà làm”. Ảnh: TRẦN MINH

Chỉ biết tin vào người bán

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết những năm trước, mỗi lần Tết đến, chị đều ra siêu thị để mua nguyên liệu về chế biến các món ăn cho gia đình thưởng thức ngày Tết. Năm nay, chị hầu như mua online qua các trang mạng xã hội và qua những chỗ quen biết có làm hàng kiểu “nhà làm”.

Cũng theo chị Nhung, để việc nấu nướng được nhanh, gọn lẹ, chị có đặt bánh mứt, khô bò, giò chả, lạp xưởng… được rao bán từ các trang Facebook. Những thực phẩm này được giới thiệu là hàng “nhà làm”. Chưa biết chất lượng như thế nào, về mặt hình thức được đóng gói kỹ nhưng lại không có nhãn mác, hạn sử dụng và tem kiểm định nên thấy cũng hơi lo.

“Vì không biết chất lượng thực phẩm của hàng “nhà làm” như thế nào nên khi mua, tôi chỉ biết tin tưởng vào người bán. Theo tôi, hình thức bán hàng “nhà làm” đang nở rộ và được nhiều người chọn mua. Vì thế, để người dân an tâm mua những sản phẩm dạng này, cơ quan chức năng cũng nên có phương cách quản lý, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như thế, người dân sẽ an tâm mua hàng hơn” - chị Nhung chia sẻ.

Chị Trần Thị Lan (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết chị làm nhân viên văn phòng. Năm nay kinh tế khó khăn, công ty cho nghỉ sớm. Để kiếm thêm thu nhập trong những ngày nghỉ Tết, chị cùng hai người bạn rủ nhau mua nguyên liệu về làm lạp xưởng, bánh mứt… bán dịp Tết. Lúc đầu, chị làm thử vài món ăn để quảng cáo cho bạn bè, đồng nghiệp. Thấy ngon nên có rất nhiều người “chốt đơn”, đặt giao hàng trước Tết.

“Chúng tôi là những đầu bếp nghiệp dư, làm những món ăn theo sự đặt hàng của từng người chứ không theo công thức nấu ăn nào. Nhưng vì làm cho đa phần là người quen nên chúng tôi cố gắng chọn những nguyên liệu tươi, có nguồn gốc rõ ràng. Việc này không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người dùng mà còn là uy tín của người bán hàng” - chị Lan nói.

Đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM theo số điện thoại: 028.39301714.

Còn khoảng trống trong quản lý thực phẩm “nhà làm”

Trao đổi với PV, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết nếu thực phẩm được gắn mác “nhà làm” nhưng không có nhãn mác, sản xuất không theo quy định thì nên sử dụng trong gia đình. Việc bán hàng để thu lợi nhuận với những mặt hàng dạng này thì người sản xuất cần phải tuân thủ tất cả quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, người chế biến và người bán phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Theo đó, những thực phẩm chế biến đóng gói phải có công bố theo các tiêu chuẩn chất lượng, có phiếu kiểm nghiệm, quy trình sản xuất. Ngoài ra, người trong khâu chế biến phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không bị các bệnh truyền nhiễm… Dựa vào những thông tin này, người tiêu dùng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm.

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc quản lý thực phẩm “nhà làm” và những mặt hàng này đang ngày càng mở rộng. Đa số thực phẩm “nhà làm” được rao bán trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Vì đây là hình thức mới phát sinh trong những năm gần đây nên những quy định bán hàng trực tuyến chưa có đầy đủ. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm gọi là “nhà làm” được rao bán qua mạng để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

“Để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm “nhà làm” ở những địa chỉ đáng tin cậy, có thương hiệu, uy tín để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Hiện sở vẫn đang kiểm tra các cơ sở sản xuất, cũng như nghiên cứu, đề xuất những mô hình để quản lý thực phẩm “nhà làm” để phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, khi phát hiện những cơ sở bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân có thể thông báo qua đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM theo số điện thoại: 028.39301714 để sở kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật” - bà Lan chia sẻ.•

Cần kiểm tra bất ngờ cơ sở chế biến thực phẩm

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “TP.HCM tổng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm Tết” với nội dung TP.HCM cử đoàn kiểm tra đến các chợ đầu mối để làm việc về tình hình cung ứng hàng, tránh thổi giá, găm hàng, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết…

Một số bạn đọc cho rằng muốn phát hiện và xử lý những thực phẩm bẩn, các cơ quan chức năng cần kiểm tra thường xuyên và bất ngờ.

- “Đa phần tiểu thương sẽ lấy hàng từ chợ đầu mối về bán nên rất cần có đoàn kiểm tra, kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo nguồn cung. Mong sao chất lượng, giá cả thực phẩm sẽ ổn định như ngày thường, giúp người dân an tâm vui Tết” - bạn đọc Ngọc Mai.

- “Người dân ăn uống quanh năm suốt tháng chứ đâu riêng gì lễ, Tết nên ngoài việc kiểm tra định kỳ các chợ, cơ sở chế biến thực phẩm, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra bất ngờ để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như giá cả…” - bạn đọc Ánh Nhi.

- “Tôi ủng hộ việc quản lý chặt các điểm bán hàng tự phát xung quanh chợ đầu mối. Trong chợ thì bán thực phẩm đạt chuẩn nhưng ngoài chợ lại bán hàng gian dối, kém chất lượng thì không ổn. Chưa kể đến vấn đề giá cả không rõ ràng, vệ sinh môi trường, kẹt xe…” - bạn đọc Thành Tô.

TUYẾN NHUNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới