Nỗi oan của trái vải

Nhiều người dân đang xôn xao vì thông tin cho rằng trẻ bị nhiễm viêm não Nhật Bản là do... ăn nhiều vải. Trước đây lại còn có tin đồn ăn nhiều thịt sẽ bị viêm não.

Viêm não vào mùa, bệnh viện quá tải

Mặc dù mới đầu tháng 6, chưa bước vào thời gian đỉnh điểm của các bệnh viêm não nhưng lượng bệnh nhân nhập viện điều trị viêm não tại khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã trong tình trạng quá tải. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, mùa của viêm não thông thường là mùa hè, bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, trung bình hai tuần khoa tiếp nhận tầm bảy trẻ mắc mới viêm não.

“Có những trẻ lớn tuổi đã xác định viêm não Nhật Bản và phụ thuộc vào máy thở, phải điều trị lâu dài. Do đó máy thở điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm não tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 đang chạy hết công suất. So với đỉnh điểm của năm ngoái thì lượng bệnh ngang bằng nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ đầu mùa, diễn tiến những tháng tiếp theo chưa thể biết được” - BS Khanh nói.

Mới đây, ngày 12-6, BV đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận năm trẻ bị viêm não cùng lúc, trong đó có một trẻ tử vong, hai trẻ tiên lượng rất xấu. Theo phụ huynh của cả năm cháu kể lại, trước khi có các triệu chứng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, nhập viện, các cháu đều được gia đình cho ăn quả vải. Do đó, ngờ vực quả vải trở thành nguyên nhân gây viêm não làm các bậc phụ huynh hoang mang.

Bệnh nhi bị viêm não đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HP

Vải hoàn toàn vô tội

Trước những thông tin trên, BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh có một vài nguyên nhân dẫn đến viêm não ở trẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do muỗi chích. Theo đó, mầm bệnh viêm não thường xuất phát từ heo và chim nhiễm bệnh, khi muỗi chích vào những con vật này dính mầm bệnh rồi mang sang chích vào người gây viêm não.

“Viêm não không lây từ người sang người, thậm chí muỗi chích người bị viêm não xong qua chích người bình thường cũng không gây viêm não. Do đó hoàn toàn không có căn cứ nói viêm não lây qua đồ ăn, thức uống, qua sinh hoạt hằng ngày” - BS Khanh khẳng định.

Đối với trẻ mắc viêm não, triệu chứng ban đầu thường là sốt, nhức đầu, nôn ói, co giật, nặng thì hôn mê. Diễn biến bệnh cực kỳ nhanh, trong vòng khoảng tám tiếng đầu trẻ có thể mê sảng, yếu liệt tay chân. Đặc biệt sau 48 giờ trẻ rất dễ có triệu chứng của viêm thần kinh trung ương, bắt buộc phải đến bệnh viện theo dõi.

Viêm não Nhật Bản diễn tiến nhanh, vì vậy chẩn đoán trễ hoặc không đúng bé sẽ dễ dẫn đến tử vong. Thông thường tỉ lệ tử vong của viêm não chiếm 10% và tỉ lệ di chứng để lại thường trên 30%. Điều lo lắng nhất ở trẻ viêm não là phải sống đời sống thực vật và phải lệ thuộc máy thời gian dài, có thể cả đời.

Hiện nay việc chẩn đoán viêm não dễ nhầm lẫn với sốt hoặc viêm phổi nên phụ huynh hay chần chừ, không hiểu hết nguy hiểm của bệnh nên thường để con ở nhà theo dõi. Có nhiều người thấy con sốt, mê sảng, nói linh tinh lại nghĩ con mình bị tà ma nên thuê cắt lễ, vẽ bùa, dùng dao lam rạch lên người, tạo cơ hội cho nhiễm trùng huyết phát sinh. Do đó, phụ huynh nên lưu ý, nếu thấy bé có triệu chứng sốt hoặc mê man liên tục 48 giờ không thuyên giảm, cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, khẳng định thông tin vải gây viêm não là không chính xác. “Quả vải đã được người dân trồng và sử dụng hàng trăm năm qua, nó có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, ổ chứa virus viêm não Nhật Bản đến từ các loài sống hoang dã như chim, một số loài bò sát và các loài động vật. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng bác bỏ thông tin vải gây viêm não gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến người trồng vải”.

___________________________

Thứ nhất, do ngộ nhận quả vải liên quan đến viêm não đã có từ xưa đến nay. Thứ hai, mùa vải ra trái và mùa viêm não có thời điểm tương tự nhau là từ tháng 6 đến tầm tháng 10, cộng thêm lý do khách quan khác là loại chim mang mầm viêm não lại rất thích ăn vải. Do đó cứ mùa vải về loài chim này thường kéo nhau đến ăn vải, dẫn đến nghi ngờ quả vải gây viêm não. Tuy nhiên, khoa học khẳng định quả vải không liên quan gì đến viêm não và viêm não không bao giờ lây qua đường ăn uống hoặc sinh hoạt.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm,
BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm