Đây là kết quả khảo sát được đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của một số tộc người thiểu số ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP) tổ chức chiều 9-12 ở Hà Nội.
Theo đó, nghiên cứu khảo sát 100 hộ tại Đắk Lắk và Lâm Đồng cho thấy một tỉ lệ rất lớn đang phải gánh các khoản nợ khác nhau với mức độ nợ từ 50 đến 240 triệu đồng. Đáng chú ý, phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp (chiếm 77%), với lãi suất lên tới 50%-60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người dân ở các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu tìm đến các hộ đại lý vật tư nông nghiệp để vay tiền (chiếm hơn 50%); trong khi đó vay ở các ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT chỉ chiếm 20%. Các hình thức vay tư nhân chủ yếu là vay nóng tiền mặt với lãi suất 3%-5%/tháng (vay 1 triệu đồng trả lãi 30.000-50.000 đồng/tháng); vay cà phê nhân (quy đổi phân bón ra cà phê nhân với giá chốt bằng 1/2 giá thị trường.