Trong tuần qua, loạt bài “Sóng gió làng tôm” do PV Pháp Luật TP.HCM thực hiện nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nhiều bạn đọc chia sẻ với những người nông dân sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và phải bỏ vốn liếng, mồ hôi công sức để mong có ngày thu hoạch. Vì vậy, họ rất bức xúc khi thấy nông dân bị các thương lái trộm tôm “ăn trên đầu trên cổ”.
Tháng 7-2020, dư luận phẫn nộ trước việc nhóm thương lái trộm tôm hàng tấn tại ao tôm của nông dân ở tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, trò trộm như cướp này đã xuất hiện, tồn tại nhiều năm qua, không chỉ ở Cà Mau mà còn ở Bạc Liêu và các vùng nuôi tôm khác. Đã có trường hợp người dân phát hiện, bắt giữ nhưng xử lý chưa triệt để khiến tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.
Trước khi nhóm thương lái trộm tôm bị camera ghi hình thì nhiều người nông dân lâm cảnh nợ nần, phải bỏ xứ vì tôm bị mất mà không biết kêu ai. Nhiều người còn chịu tiếng oan với đại lý bán thức ăn là “thu hoạch nhiều nhưng giấu bớt”.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Quá lộng hành!
Bạn đọc Hà Kiên bình luận: “Làm ăn như vậy thất đức quá, người nông dân làm bán sống bán chết mới mong đến ngày thu hoạch, vậy mà bọn này trộm cả nửa ao tôm của người ta thì quá lộng hành.
Nghĩ mà thấy tội người nông dân chất phác, cả đời làm lụng để làm giàu cho bọn thương lái ăn trộm. Họ hiền thì hiền nhưng khi đẩy họ vào bước đường cùng thì bọn họ phải đấu tranh thôi”.
“Chuyện này kéo dài từ nhiều năm mà các cấp chính quyền địa phương không hề hay biết cho đến khi chính người dân phải tự tìm bằng chứng bắt quả tang những hành vi hết sức gian xảo của bọn gian thương. Đáng lý ra khi nhận tin báo của người dân thì công an phải điều tra làm tới nơi tới chốn, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các chiêu thức, thủ đoạn của bọn trộm tôm để họ đề phòng” - bạn đọc Hoàng Lâm ý kiến.
Là nhân viên pháp lý của một công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi, chuyên đi thu hồi nợ các chủ đầm tôm nợ tiền thức ăn ở Cà Mau, bạn đọc Hoài Hưng cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài phản ánh thực trạng trộm tôm.
“Tôi quá hiểu cảnh người nông dân phải vay mượn tiền để đầu tư đầm tôm, rồi dịch bệnh lại thêm nạn trộm hoành hành khiến nhiều người vỡ nợ, rất đau lòng. Tôi rất mong chính quyền địa phương phải coi đây là một loại tệ nạn ở nông thôn, cần trừng trị nghiêm”.
“Sao nông dân khổ quá!” - anh hoài hưng viết.
“Sao để người nông dân bơ vơ vậy trời!...” là những bình luận chia sẻ với người nông dân của các bạn đọc Sáu, Thương…
Trộm nông sản có ở khắp nơi
Sau loạt bài nạn trộm tôm ở Cà Mau, anh Lê Văn Nghĩa ở huyện Đắk Mil, Đắk Nông phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM cả tháng nay gia đình anh cùng một số người dân nơi đây đứng ngồi không yên vì nạn trộm bơ mùa thu hoạch.
Anh Nghĩa chia sẻ: Mấy năm nay bơ có giá nên người dân nơi đây trồng xen canh vào rẫy cà phê để có thêm thu nhập. Ở địa phương của anh thỉnh thoảng cũng xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê nên anh Nghĩa lo sợ bơ nhà mình sẽ bị bọn trộm nhòm ngó, gia đình thay phiên nhau canh gác cẩn thận. Nào ngờ, chỉ một buổi chiều chủ quan mà bọn trộm đến hái sạch những quả bơ to.
Để tránh bị trộm hái đợt bơ còn lại nên anh Nghĩa đã phải kêu thương lái hái sớm. Vì bơ chưa đến độ chín nên giá chỉ được 30.000 đồng/kg, trong khi nếu đủ độ chín thì sẽ bán được khoảng 60.000 đồng/kg.
Chị NHP ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cũng phản ánh tình trạng tương tự. Vì nạn trộm bơ, gia đình chị đã phải thu hoạch sớm chứ không dám để ở rẫy chờ cho bơ chín. Giá bơ bán ra vì thế cũng giảm đáng kể.
Nông dân phải giám sát kỹ thương lái khi bán Thương lái trộm tôm của nông dân thì quả thật bất lương quá. Từ các vụ việc mà báo Pháp Luật TP.HCM nêu, người nông dân nên cảnh giác trước những chiêu trò này. Một số điều mà người nông dân cần lưu ý khi bán tôm cho thương lái là: Thứ nhất, kiểm tra những dụng cụ để bắt như lưới, thùng… để tránh tình trạng gian lận khi cân. Ngoài ra, người nông dân cần chuẩn bị một vật nào đó cân trước xem nó nặng bao nhiêu để kiểm tra cân của thương lái có đúng không. Thứ hai, phải có nhiều người giám sát suốt quá trình bắt tôm và cân để tránh tình trạng số tôm bắt lên chưa cân mà bỏ lên xe. Thứ ba, với những thương lái nào người nông dân thấy có vấn đề thì hãy ngưng bán, tìm thương lái khác uy tín hơn. Người nông dân phải bỏ biết bao công sức, tiền của để chờ đến ngày thu hoạch, vì thế nên cẩn thận để không trở thành nạn nhân của bọn gian thương. GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông nghiệp |