Nóng Nga-Ukraine 13-7: Wagner bàn giao hàng ngàn tấn đạn và vũ khí cho Nga; Ukraine chiếm ưu thế ở Bakhmut

(PLO)- Ukraine có bước tiến tại Bakhmut nhưng mất nhiều lính ở Kherson; Wagner bàn giao hơn 2.500 tấn đạn dược, 2.000 trang thiết bị cho Nga; Moscow tố Hội nghị thượng đỉnh NATO mang tâm lý chiến tranh lạnh; Liên Hợp Quốc "mặc cả" với Nga về thỏa thuận ngũ cốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiến trường Ukraine càng nóng trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO khép lại với nhiều cam kết của phương Tây dành cho Kiev.

Ukraine có bước tiến tại Bakhmut

Ngày 12-7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine - bà Hanna Maliar cho biết lực lượng Ukraine đang tiến xa hơn ở TP Bakhmut (tỉnh Donetsk, vùng Donbass, đông Ukraine) và ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của Nga ở những nơi khác ở Donetsk, theo hãng thông tấn Ukraine Ukrinform.

Bà Maliar cho biết Ukraine đã chặn thành công các cuộc tấn công của Nga ở các hướng TP Kupyansk, Lyman, Avdiivka và Marinka, vốn là những khu vực tiền tuyến mà Nga đã nhiều lần cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine.

"Ở khu vực Bakhmut, chúng tôi đã mở một cuộc tấn công vào sườn phía nam xung quanh Bakhmut... Đã có một bước tiến. Hiện quân phòng ngự của chúng tôi đang củng cố các vị trí mà quân đã kiểm soát” - bà Maliar nói thêm.

Quân Ukraine đang cố chiếm lấy những vùng đất cao hơn ở rìa phía bắc và phía nam của TP này.

Lính Ukraine ở một địa điểm bí mật trên tiền tuyến vào tháng 6-2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine ở một địa điểm bí mật trên tiền tuyến vào tháng 6-2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ở phía nam, Maliar cho biết Ukraine tiếp tục tấn công trên các hướng TP Melitopol và Berdiansk (đều ở tỉnh Zaporizhia) và đang tiến hành nhiều nhiệm vụ nhằm làm suy yếu đối phương.

Bà cho biết vì các chiến đấu cơ của Ukraine đã phá hủy một số lượng lớn kho đạn dược Nga nên số lượng các cuộc tấn công của Nga đã giảm đi. Ukraine cũng đã tăng cường tấn công tên lửa và pháo binh tầm xa vào các trung tâm hậu cần và chỉ huy của Nga ở phía nam.

Nga tấn công Bakhmut, loại nhiều lính ở Kherson

. Người phát ngôn của lực lượng chiến đấu ở phía nam Nga Battlegroup - ông Vadim Astafyev cho biết máy bay chiến đấu của nhóm đã ném bom và tấn công tên lửa vào 10 địa điểm, gây nhiều thiệt hại cho Ukraine trong ngày 12-7, theo TASS.

"Máy bay của nhóm chiến đấu đã ném bom và tấn công tên lửa vào 10 địa điểm của đối phương ở các hướng TP Soledar-Bakhmut và khu định cư Aleksandro-Kalinovo (đều ở tỉnh Donetsk)” - ông Vadim Astafyev nói trong video do Bộ Quốc phòng Nga đăng tải.

Tại tỉnh Kherson, các lực lượng Nga đã loại bỏ khoảng 40 lính Ukraine, 2 phương tiện cơ giới và 2 hệ thống pháo M777 do Mỹ sản xuất trong ngày 12-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.

Wagner bàn giao vũ khí cho quân đội Nga

Ngày 12-7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết công ty quân sự tư nhân Wagner đã bàn giao hàng ngàn vũ khí và hàng ngàn tấn đạn dược cho quân đội Nga, theo đài RT.

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video cho thấy các nhân viên của Bộ đang kiểm tra một phần trong số hơn 2.000 thiết bị quân sự và 2.750 tấn đạn dược. Bộ này cho biết lô hàng bao gồm xe tăng, các hệ thống tên lửa, bao gồm Pantsir và khoảng 20.000 vũ khí nhỏ.

“Theo đúng kế hoạch, quân đội Nga, đang hoàn tất việc tiếp nhận vũ khí và thiết bị quân sự từ các đơn vị của Tập đoàn Wagner…Trong số các thiết bị được chuyển giao, có hàng chục trang thiết bị đủ điều kiện dùng để chiến đấu nhưng chưa từng được sử dụng” - Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Lính Wagner trên đường cao tốc tỉnh Voronezh vào ngày 24-6. Ảnh: REUTERS

Lính Wagner trên đường cao tốc tỉnh Voronezh vào ngày 24-6. Ảnh: REUTERS

Tờ The Washington Post đánh giá rằng việc thông báo về có trang thiết bị không sử dụng dường như là động thái đối trọng lại những lời cáo buộc của trùm Wagner - ông Yevgeniy Prigozhin rằng Bộ Quốc phòng Nga đã không cung cấp đủ trang thiết bị cho lực lượng Wagner trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine.

Những điểm đáng chú ý trong Hội nghị NATO

Ngày 12-7, Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Lithuania đã kết thúc sau hai ngày hội họp. Các thành viên NATO tiếp tục cam kết ủng hộ, viện trợ quân sự thêm cho Ukraine, đồng thời hứa hẹn rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh, dù không đưa ra cách thức, thời điểm rõ ràng, theo tờ The New York Times.

Đáng chú ý, lãnh đạo các nước G7, gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Canada và Ý, cũng đã ra tuyên bố chung về việc các nước này sẽ đàm phán các cam kết an ninh song phương dài hạn với Ukraine để giúp Ukraine xây dựng hệ thống phòng thủ trên bộ, trên biển và trên không, theo đài CNN.

Thỏa thuận này góp phần củng cố cam kết với Ukraine của các nhà lãnh đạo Mỹ và đồng minh trong những năm tới và khiến các chính sách của Tổng thống Joe Biden khó bị đảo ngược hơn. Ukraine đang lo lắng rằng một tổng thống tương lai của Mỹ đắc cử trong cuộc bầu cử 2024 sắp tới có thể “hạ nhiệt” sự ủng hộ của Mỹ với Ukraine.

Trong hội nghị, NATO đã thành lập một cơ quan đặc biệt gọi là Hội đồng NATO-Ukraine, nhằm giúp Ukraine có tiếng nói cùng với các quốc gia thành viên NATO về các vấn đề chính liên quan đến an ninh của nước này. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tham dự cuộc họp khai mạc vào ngày 12-7.

Tổng thống Volodymyr Zelensky hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 12-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Volodymyr Zelensky hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 12-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Về phần mình, Tổng thống Zelensky dù chưa hài lòng về việc Ukraine chưa trở thành thành viên NATO vào lúc này nhưng vẫn cảm ơn sự hỗ trợ thiết thực và chưa từng có của NATO đối với Ukraine.

Ông Zelensky viết trên Twitter: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ gia nhập NATO một khi tình hình an ninh ổn định. Nói một cách đơn giản, khi chiến tranh kết thúc, Ukraine sẽ được mời vào NATO và Ukraine rõ ràng sẽ trở thành thành viên của Liên minh".

Cạnh đó, G7 cũng tiếp tục tăng hạn chế, trừng phạt lên Nga. Theo thông cáo chung, G7 sẽ làm chi phí mà Nga phải trả tăng lên, thông qua các lệnh trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu,...đồng thời sẽ buộc những người có trách nhiệm, gồm những người liên quan đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng, phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế.

Một động thái mang tính bước ngoặt khác ở Hội nghị NATO lần này là việc Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 32 của liên minh, khi trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một mực phản đối Thụy Điển vào NATO.

Nga chỉ trích Hội nghị NATO

Ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết kết quả của Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius chứng minh rằng liên minh này cuối cùng đã quay trở lại các kế hoạch Chiến tranh Lạnh, theo hãng thông tấn TASS.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mỹ và các đồng minh có ý định sử dụng NATO như "công cụ bá quyền chính trong các vấn đề quốc tế, (để) răn đe các trung tâm khác của trật tự thế giới đa cực mới nổi" và mục tiêu chính sách này là nhằm vào Nga.

Bộ này cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang tăng cường hiện diện quân sự, triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở gần biên giới Nga, cũng như thường xuyên tập trận chú trọng vào huấn luyện tấn công, hòng gây thất bại chiến lược cho Nga.

Theo Bộ, các nước NATO chiếm hơn một nửa chi tiêu quân sự toàn cầu. Bộ cũng cáo buộc nhà thầu quốc phòng Mỹ sẽ hưởng lợi vì bán vũ khí cho Ukraine.

Liên Hợp Quốc “mặc cả” với Nga về việc xuất khẩu ngũ cốc

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Nga có thể gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ở Biển Đen để đổi lấy việc một chi nhánh của ngân hàng nông nghiệp Nga truy cập được hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn thạo tin cho hay.

Nga đã đe dọa hủy bỏ thỏa thuận ngũ cốc sẽ hết hạn vào ngày 17-7, đồng thời mong muốn tái kết nối ngân hàng nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống SWIFT, vốn đã bị Liên minh châu Âu (EU) loại khỏi hệ thống này vào tháng 6-2022.

Theo ba nguồn tin, hiện EU đang xem xét kết nối một chi nhánh ngân hàng Rosselkhozbank với SWIFT để đổi lấy các giao dịch ngũ cốc và phân bón.

Ngày 12-7, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric xác nhận ông Guterres đã gửi một bức thư cho ông Putin hôm 11-7, đề xuất một giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, đồng thời đảm bảo các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine được tiếp tục vận chuyển qua Biển Đen.

Tuy nhiên, ông Dujarric không cung cấp thêm chi tiết đề xuất, mà chỉ nói rằng ông Guterres đã tham gia với tất cả các bên liên quan về vấn đề này và sẵn sàng thảo luận thêm về đề xuất của ông với Nga.

Hiện phía Nga và EU chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Nga muốn giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Ukraine

. Trả lời phỏng vấn nhật báo Nga Lenta.ru hôm 12-7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của Nga so với các hành động thù địch.

Khi được hỏi liệu các sáng kiến ​​hòa bình do Trung Quốc, Indonesia, Vatican và châu Phi đề xuất có được đưa ra quá sớm không, ông Lavrov nói rằng không phải.

"Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới các đối tác của chúng tôi vì những nỗ lực của trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine…Chúng tôi không coi các sáng kiến ​​của họ được đưa ra không đúng thời điểm bởi vì hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của phía Nga so với các hoạt động thù địch" - ông Lavrov nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm