Nóng Nga-Ukraine chiều 1-6: Ông Zelensky nói có đến 100 lính Ukraine tử trận mỗi ngày, tuyên bố không nhượng lãnh thổ

(PLO)- Ông Zelensky thừa nhận có đến 100 binh sĩ Ukraine tử trận mỗi ngày, tuyên bố không có ý định nhượng lãnh thổ; Nga nói sẵn sàng mở hòa đàm với Ukraine; Mỹ khẳng định không cung cấp cho Kiev vũ khí có thể tấn công Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Zelensky thừa nhận có đến 100 lính Ukraine tử trận mỗi ngày, tuyên bố không có ý định nhượng lãnh thổ

Theo hãng tin Ukrinform, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng có khoảng 60 đến 100 lính Ukraine thiệt mạng và khoảng 500 người bị thương mỗi ngày.

“Tình hình đang rất khó khăn. Chúng tôi mất 60-100 binh sĩ mỗi ngày vì thiệt mạng trong chiến dịch quân sự và khoảng 500 người bị thương. Tình hình khó khăn nhất là ở phía đông Ukraine và phía nam các tỉnh Donetsk và Luhansk” - ông Zelensky phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Newsmax của Mỹ.

Vị Tổng thống nói thêm rằng các lực lượng Ukraine hiện đang “cố trấn giữ các tuyến phòng thủ” ở miền đông Ukraine và đang cố gắng "phản công và dồn ép" các lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv.

Đống đổ nát sau các đợt tấn công tại TP Kharkiv, Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Đống đổ nát sau các đợt tấn công tại TP Kharkiv, Ukraine hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Zelensky tuyên bố Ukraine không có ý định nhượng các vùng lãnh thổ của họ, nhưng có thể tham gia các cuộc thảo luận với Nga về những khó khăn liên quan các khu vực đó.

“Chúng tôi chưa sẵn sàng nhượng lại bất kỳ lãnh thổ nào của mình, vì đó là độc lập của chúng tôi, chủ quyền của chúng tôi. Tuy nhiên, những khó khăn nhất định ở một số vùng lãnh thổ có thể được đem ra thảo luận” - ông nói.

Ông nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận sẽ chỉ hiệu quả khi được thực hiện thông qua các kênh ngoại giao.

Nga nói sẵn sàng mở hòa đàm với Ukraine

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mozambique - ông Filipe Nyusi hôm 31-5, Chủ tịch Thượng viện Nga - bà Valentina Matviyenko cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với Ukraine và ký kết các thỏa thuận hòa bình, hãng thông tấn TASS đưa tin.

“Chúng tôi để ngỏ các cuộc đàm phán. Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm rằng chúng ta cần có các giải pháp ngoại giao, hòa bình. Chúng tôi nhắc lại rằng chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán, ký kết các thỏa thuận và đi đến hòa bình, nhưng chúng tôi không thấy phản hồi từ phía Kiev” - bà nói.

Bà nhắc lại rằng trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã đàm phán với Mỹ và phương Tây, yêu cầu họ đảm bảo an ninh chung, không thể chia cắt của châu Âu theo như “cam kết trong tất cả các văn kiện quốc tế".

"Rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thích đáng. Sau khi Ukraine nói rằng họ muốn trở thành một cường quốc hạt nhân và khi chúng tôi thấy nước này tràn ngập vũ khí, gồm vũ khí tấn công, cũng như nhận ra rằng Kiev đang âm mưu tấn công vào Donetsk và Luhansk, theo lẽ tự nhiên, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác để đảm bảo an ninh cho mình" - bà nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cũng bày tỏ muốn đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Mỹ khẳng định không cung cấp cho Ukraine vũ khí có thể tấn công Nga

Theo đài RT, ngày 31-5, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington sẽ không gửi cho Ukraine các hệ thống vũ khí có thể nhắm mục tiêu vào Moscow.

“Ngay từ ngày đầu, chúng tôi đã rõ ràng rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí để tự vệ trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, và chỉ để tự vệ bên trong biên giới của họ. Chúng tôi không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho phép Kiev tấn công Nga từ bên trong Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã tuyên bố rất rõ ràng về điều này” - bà Thomas-Greenfield cho biết.

“Chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham chiến” - bà nhấn mạnh.

Hôm 30-5, ông Biden đã xác nhận rằng Mỹ dự định chuyển nhiều hệ thống phóng tên lửa (MLRS) cho Ukraine. Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng khẳng định rằng Washington “sẽ không gửi đến Kiev các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga”.

Ý nói nhiều nước lớn trong EU phản đối trao tư cách ứng viên cho Ukraine

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ hôm 31-5, Thủ tướng Ý - ông Mario Draghi cho biết chỉ Rome ủng hộ việc trao tư cách ứng cử viên Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine, trong khi các nước lớn trong khối đều phản đối, RT đưa tin.

“Hầu như mọi thành viên lớn trong EU đều phản đối việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine, ngoại trừ Ý. Hiện không thể chắc chắn về tình trạng ứng viên của Kiev do vấp phải sự phản đối của các quốc gia này" - ông nói.

Ông Draghi nói thêm rằng Ủy ban châu Âu có thể sẽ trình bày kế hoạch đẩy nhanh quá trình duyệt đơn xin cấp tư cách ứng cử viên của Ukraine trong một cuộc họp vào tháng này.

Ông lưu ý rằng hầu hết quốc gia phải chờ đợi nhiều năm để được cấp tư cách ứng viên, chứ chưa nói đến việc trở thành thành viên EU. Kiev đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 28-2, 4 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tại cuộc họp báo, ông cho biết các biện pháp trừng phạt mà khối này áp đặt lên Moscow sẽ kéo dài trong nhiều năm, đồng thời nói thêm rằng lệnh trừng phạt sẽ “vẽ lại” bản đồ thương mại dầu mỏ thế giới “trong nhiều năm, nếu không muốn nói là mãi mãi”.

Theo đó, nhà lãnh đạo Ý kêu gọi các nước EU “phải hành động ngay lập tức” để tìm các nguồn cung mới về dài hạn.

Ukraine cách chức quan chức từng cáo buộc Nga phạm “tội ác chiến tranh”

Các nghị sĩ Ukraine hôm 31-5 đã bỏ phiếu cách chức bà Lyudmila Denisova - Ủy viên Nhân quyền Ukraine vì cáo buộc lơ là chức vụ và phát tán thông tin chưa được xác minh về quân đội Nga. Theo RT, các nghị sĩ Ukraine cho rằng những hành động của bà Denisova “làm hoen ố hình ảnh của Ukraine”.

Ông Yaroslav Zheleznyak, thành viên đảng Tiếng nói (Golos) trong Quốc hội Ukraine, cho biết một nghị quyết bất tín nhiệm nhằm vào bà Denisova đã được 234 trong số 450 nghị sĩ quốc hội ủng hộ, tức hơn 50%. Bà Denisova trước đó đã bị các nhà lập pháp và giới truyền thông Ukraine chỉ trích vì lơ là chức vụ, đặc biệt trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở nước này.

Trên trang Facebook cá nhân, nghị sĩ Pavel Frolov của Ukraine nói rằng bà Denisova "hầu như không thực hiện nhiệm vụ của mình về tổ chức các hành lang nhân đạo hoặc trao đổi tù nhân”, là Ủy viên Nhân quyền nhưng hầu như không thực hiện “hoạt động nhân quyền”.

Ông Frolov còn nói thêm rằng “sự tập trung khó hiểu” của bà Denisova vào các cáo buộc liên quan đến quân đội Nga mà không có chứng cứ sẽ “chỉ gây hại cho Ukraine”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm