Trung Quốc ưu tiên vaccine nội địa, đổi mới nhiều mảng nhằm tăng khả năng tự lực

(PLO)- Giới lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy những đột phá về công nghệ sản xuất vaccine nội địa và quản lý đô thị nhằm tăng cường khả năng tự lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ South China Morning Post, giới lãnh đạo Trung Quốc (TQ) đang thúc đẩy những đột phá về công nghệ sản xuất vaccine nội địa và quản lý đô thị trong nỗ lực thúc đẩy các chính sách về COVID-19 mà họ cho là khoa học, đồng thời tăng cường năng lực quốc nội.

Ưu tiên phát triển vaccine “cây nhà lá vườn”

Ban thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản TQ, cơ quan ra quyết định cao nhất ở nước này, đã không đề cập việc “đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển vaccine” trong cuộc họp vào đầu tháng 5. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh đang tập trung nhiều hơn vào việc thực thi chiến lược “zero COVID-19” của họ.

Tuy nhiên, nhận xét của ông Lưu Hạc - Phó Thủ tướng TQ - cho thấy việc phát triển vaccine “cây nhà lá vườn” vẫn là một ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc gia. Các thử nghiệm lâm sàng của một loại vaccine nội địa nhắm vào biến thể Omicron đã bắt đầu ở tỉnh Chiết Giang vào đầu tháng này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: TÂN HOA XÃ

“Chúng ta nên tăng cường nghiên cứu về cơ chế hoạt động của virus và nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc đặc trị” - ông Lưu phát biểu trong một cuộc họp với Học viện Kỹ thuật TQ hôm 30-5, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Bắc Kinh gần đây đã thừa nhận rằng tác động kết hợp của cuộc chiến Ukraine, làn sóng bùng phát COVID-19 trong nước liên quan biến thể Omicron và các biện pháp chống dịch cứng rắn của họ đã đẩy nền kinh tế TQ đến bờ vực nguy hiểm, làm tăng nguy cơ đánh mất tốc độ tăng trưởng 5,5% mỗi năm.

Các cuộc thảo luận đang diễn ra về việc có hay không và đến khi nào Bắc Kinh mới điều chỉnh các chính sách của mình hoặc công bố chiến lược chống dịch của họ, trong bối cảnh phương pháp tiếp cận “zero COVID-19” bộc lộ sự thiếu bền vững và tốn kém.

“Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Lưu Hạc mang hàm ý về việc cải thiện và điều chỉnh các biện pháp kiểm soát COVID-19 hiện tại của TQ” - ông Hà Quân - chuyên gia tại tổ chức tư vấn độc lập đa quốc gia Anbound - cho biết.

“Nếu TQ có thể cải thiện hiệu quả và sự đa dạng của các loại vaccine và thuốc đặc trị, thì nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào việc xét nghiệm hàng loạt và những lần phong tỏa tốn kém, đồng thời giúp duy trì hoạt động bình thường của nền kinh tế và xã hội trong thời kỳ đại dịch” - ông Hà nói thêm.

Theo SCMP, TQ vẫn chưa phê duyệt sử dụng các loại vaccine m-RNA do các hãng dược nước ngoài, như Pfizer/BioNTech và Moderna, sản xuất mặc dù hiệu quả của chúng ở mức cao. Thay vào đó, các nhà chức trách Bắc Kinh ưu tiên các lựa chọn các loại vaccine “cây nhà lá vườn”.

TQ cũng đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc uống chống COVID-19 của hãng Pfizer, song không được triển khai rộng rãi.

Đẩy mạnh đổi mới, tiến bộ nhiều lĩnh vực

Về xây dựng khả năng chống chịu của các địa phương, ông Hà nhận định rằng nghiên cứu hoạt động của các thành phố trong các tình huống khắc nghiệt sẽ giúp tránh được tình trạng hỗn loạn đã từng xảy ra ở các TP Vũ Hán và Thượng Hải trước đây. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rút kinh nghiệm và tăng cường nghiên cứu, cho rằng điều đó sẽ giúp chính sách công trở nên khoa học hơn.

Ông Lưu cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tìm giải pháp nhằm đảm bảo tình trạng hoạt động bình thường của các TP trong nước ở "các tình huống khắc nghiệt", chẳng hạn như phong tỏa, bằng cách sử dụng công nghệ.

Theo đó, ông Lưu kêu gọi thúc đẩy những tiến bộ đối với mảng công nghệ phần mềm và phần cứng quan trọng, cũng như về nguyên liệu thô để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng và ngành công nghiệp hoạt động trơn tru.

Ông tiếp tục nhấn mạnh về sự cần thiết phải đẩy nhanh nghiên cứu về nhân giống công nghệ sinh học, tăng cường bảo tồn và cải tạo đất cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón để bảo vệ an ninh lương thực cho 1,4 tỉ dân của TQ.

Ông cũng kêu gọi đảm bảo nguồn cung năng lượng nội địa của TQ, đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng như đặt hệ thống công nghệ viễn thông của đất nước nằm trong tầm kiểm soát.

Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh khả năng năng lực tự cường của họ trong thời gian qua, từ công nghệ và công nghiệp, đến nông nghiệp và năng lượng, trong bối cảnh chính trị và thương mại quốc tế có nhiều biến động, theo SCMP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm