Cô Miwa Sado, 31 tuổi, một phóng viên chính trị thuộc Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã tử vong sau khi trải qua một cơn trụy tim vào tháng 7 năm 2013.
Gần một năm sau, một cuộc điều tra của chính phủ chính thức đưa ra phán quyết rằng cái chết của Sado liên quan đến việc làm thêm giờ quá mức.
Miwa Sado, 31 tuổi, một phóng viên chính trị thuộc Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, đã tử vong sau khi trãi qua một cơn trụy tim do làm việc quá nhiều. Ảnh: ANN News
Nnhà báo làm gấp đôi giờ của người lao động bình thường
Tuy nhiên, phải đến tận 4 năm sau, dưới nhiều áp lực từ cha mẹ của nạn nhân, Đài truyền hình NHK đã chính thức thừa nhận nguyên nhân cái chết của nhân viên mình là do làm việc quá sức. Đồng thời, nhà đài đưa ra những khuyến cáo nhằm ngăn ngừa bi kịch xảy ra một lần nữa.
Trước đây, Đài truyền hình NHK từng tổ chức nhiều chiến dịch chống lại văn hóa làm việc quá giờ ở nước này.
Tổng biên tập NHK, ông Ryoichi Ueda đã thừa nhận rằng trong suốt tháng 7-2013, cô Sado đã làm việc gấp đôi số giờ tiêu chuẩn của một người lao động Mỹ bình thường là 40 giờ 1 tuần, tương đương với 160 giờ 1 tháng, trong khi chỉ nghỉ làm 2 ngày. Số thời gian mà Sado đã làm quá mức cho phép lên đến 159 giờ.
“Chúng tôi rất tiếc vì đã để mất đi một phóng viên xuất sắc và nghiêm túc thừa nhận rằng cái chết của cô ấy là do công việc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ với cha mẹ của Sado” - ông Ryoichi Ueda nói với phóng viên tại buổi họp báo.
Vụ việc là hồi chuông cảnh tỉnh cho vấn nạn "karoshi", được hiểu là tử vong do làm việc quá sức đang tràn lan ở Nhật.
Tự tử vì áp lực công việc
Một trường hợp tương tự khác xảy ra vào năm 2015 cũng từng rúng động đất nước Nhật Bản.
Cô Matsuri Takahashi, 24 tuổi, một nhân viên quảng cáo của Dentsu đã phải tự tử vì bị buộc làm việc với khoảng 105 giờ làm thêm trong tháng.
Cô gái trẻ đã nhảy lầu tự tử vào ngày Giáng sinh năm 2015. Trước khi chết, chị Matsuri Takahashi đã để lại lời nhắn cho mẹ mình: "Tại sao mọi thứ lại khó khăn như vậy?".
Cha mẹ của Matsuri Takahashi trong buổi họp báo. Ảnh:NHK
Bạn trai của Takahashi, cho biết người yêu mình đã làm việc tại công ty này khoảng gần một năm trước khi tự tử. Công việc bận rộn tới mức chị Matsuri chỉ ngủ khoảng 10 giờ/tuần.
Sau thảm kịch gần một năm, ông Tadashi Ishii - chủ tịch công ty quảng cáo Dentsu, đã thông báo từ chức vào tháng 1-2017 để nhận trách nhiệm vụ việc.
Chưa hết, chỉ mới tháng 7 năm nay, cha mẹ của một thanh niên 23 tuổi cũng đang kiến nghị chính phủ làm rõ nguyên nhân cái chết của con trai mình có liên quan đến làm việc quá giờ.
Được biết, thanh niên này là một nhân viên xây dựng ở sân vận động Olympic Tokyo, từng làm việc quá thời gian quy định 200 giờ. Vào tháng 4 năm nay, chàng trai dấu tên được tìm thấy đã tử vong với một lời ghi chú "Đã làm hết giới hạn của thể chất và tinh thần".
Karoshi, vấn nạn đáng báo động
Luật sư và các nhóm công dân đã dành nhiều thập kỷ để thúc đẩy những thay đổi đối với luật pháp Nhật Bản để công nhận Karoshi là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.
Hàng năm, chuyện làm việc quá giờ được cho là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết ở Nhật Bản bao gồm đột quỵ, đau tim và tự sát.
Theo báo cáo của chính phủ, đến nay đã có 191 trường hợp tử vong vì "karoshi". Báo cáo cũng cho biết, hiện đang có khoảng 7,7 % lao động Nhật Bản đang phải làm việc quá thời gian quy định 20 giờ mỗi tuần.
Theo báo cáo của chính phủ, đến nay đã có 191 trường hợp tử vong vì "karoshi". Ảnh: Internet
Bộ trưởng Lao động Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, cho biết chính phủ sẽ "làm hết sức mình" để giảm số người chết vì làm việc quá sức. Cụ thể, chính phủ Nhật đã công bố danh sách đen gồm hơn 300 công ty từng vi phạm luật lao động, trong đó có công ty quảng cáo Dentsu và một chi nhánh của Panasonic.
Vào tháng 2, Nhật Bản đã chọn ra ngày "Premium Friday", kêu gọi nhân viên nghỉ sớm vào thứ Sáu cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, các nhà phê bình đánh giá chiến dịch này sẽ không mang lại hiệu quả, bởi nó không có tính bắt buộc và rất nhiều công ty không mấy mặn mà với nó.