Chưa bao giờ coi trọng điểm số, con đường học hành cũng chẳng giống ai nhưng Homi Yamada (quốc tịch Nhật Bản) vẫn tự tin đặt mục tiêu “phải đến VinUni học ngành y”.
Đường học khác người, “xem thường” điểm số
Đã là tháng 3-2020 nhưng trên bàn học của Homi Yamada, nữ sinh quốc tịch Nhật Bản sinh sống tại TP.HCM, vẫn còn cuốn lịch để bàn của năm 2018. Trên đó có ghi đậm dòng chữ “Phải đến VinUni học ngành Y”.
Nhìn căn phòng của Homi Yamada, không ai nghĩ đây là không gian riêng của một nữ sinh vừa xuất sắc giành học bổng toàn phần trị giá hơn 850 triệu đồng/năm (tương đương 36.500 USD) của Đại học VinUni. Đó là một căn phòng theo đúng lối sống tối giản của người Nhật Bản. Không có bất kỳ “chỉ dấu” nào cho thấy chủ nhân của nó là một cô gái tuổi teen.
Bàn học tối giản của Homi, chồng sổ bên cạnh là ghi chép suốt cả chục năm qua của cô. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Trên bàn học cũng tối giản, nổi bật nhất là cuốn lịch bàn cùng quyển sổ tay chi chít chữ. Homi gọi chúng là những “bản kế hoạch cuộc sống”. Nữ sinh 19 tuổi kể, từ nhỏ cô đã có thói quen lập kế hoạch cho bản thân. Làm gì cũng phải có kế hoạch. Việc gì đã đề ra đều phải cố gắng hết sức để hoàn thành.
“Ngoài khuôn mặt, tính cách này có lẽ là điều khiến em thấy mình "Nhật Bản" nhất” - nữ sinh mang trong mình hai dòng máu Việt - Nhật hài hước nói.
Sở hữu bảng thành tích học tập “khủng” với toàn điểm A trong những năm du học cấp 3 tại Canada nhưng ít ai biết con đường học hành của Homi rất… khác người.
Homi chưa từng học mẫu giáo cũng chưa từng học lớp 1. Lúc năm tuổi, Homi đã làm toán thành thạo nhưng cha mẹ cô lại chọn cách dạy con học ở nhà. Năm bảy tuổi, Homi lần đầu tới trường và được xếp vào… lớp 2. Sau ba tháng học thử, ngôi trường quốc tế tại TP.HCM quyết định cho cô bé người Nhật học luôn… lớp 3.
So với bạn bè, Homi cũng tự nhận thấy mình… khác người. Thời phổ thông dù luôn trong tốp đầu của lớp nhưng Homi lại khá “coi nhẹ” điểm số. Về khía cạnh này, Homi bảo cô thấy mình giống bố, một doanh nhân có tiếng ở TP.HCM nhưng chưa từng tốt nghiệp THPT.
“Em vẫn cho là kiến thức và hiểu biết quan trọng hơn điểm số” - chủ nhân học bổng toàn phần của VinUni bộc bạch, “10-20 năm nữa, thứ theo mình và giúp ích cho mình chắc chắn không phải là điểm số”.
Trong căn phòng tối giản của Homi, tài sản giá trị nhất với cô là chiếc laptop cùng hơn chục cuốn sổ chi chít chữ mà cô giữ từ ngày học phổ thông đến giờ.
“Sau mỗi bài học hay sau khi đọc được một cuốn sách hay, em sẽ tóm tắt những nội dung quan trọng nhất vào đây”, Homi vừa mở một cuốn sổ giấy đã sờn vừa nói. “Khi cần ôn tập hay xem lại, chỉ cần cuốn sổ này là đủ, không cần phải đọc hay tìm lại sách nữa”.
Có lẽ cũng vì thế mà trong phòng Homi rất ít sách, dù mỗi ngày cô đọc sách tới 4-5 tiếng. Homi tiết lộ, trong chiếc laptop mà cô coi là cả “gia tài” chứa gần 100.000 trang sách quý được sưu tầm suốt nhiều năm.
“Con phải đến VinUni học ngành y”
Trước khi vượt qua hàng ngàn ứng viên xuất sắc và nhận học bổng tài năng của VinUni, Homi đã có một năm học ngành y của một trường đại học lớn ở phía nam. Homi tiết lộ, với cô đó là một năm… học thử.
“Năm 2018, em tốt nghiệp THPT cũng là lúc dự án Đại học VinUni được công bố. Lúc đó, cả em và gia đình đều quyết định đợi đến năm 2020 khi VinUni tuyển sinh khóa đầu tiên” - cựu du học sinh tại Canada giải thích.
Ngay từ nhỏ, cô gái yêu thích các môn khoa học tự nhiên này đã muốn theo nghề y. “Ngày trước bà em thường phải nằm viện nên em hiểu nghề y quan trọng như thế nào”.
Thời gian du học tại Canada, Homi đăng ký làm tình nguyện viên cho một hiệu thuốc để có cơ hội tiếp cận gần hơn với công việc khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Đến năm “học thử” đại học, cô thành lập và dẫn dắt dự án Doctor Plus Medcomics, chuyên Việt hóa các bộ comic (truyện tranh) về y học làm tài liệu tham khảo cho các sinh viên y khoa. Càng tìm hiểu sâu các thành tựu y học thế giới Homi càng nhận ra rằng Việt Nam đang cần thêm rất nhiều các nhà nghiên cứu để có thể theo kịp nền y học phương Tây.
Homi Yamada (ngoài cùng bên phải) trong lễ tốt nghiệp THPT tại Trường Alpha secondary school (Canada).
“Con phải đến VinUni học ngành y” - Homi đã nói như thế với bố mẹ sau khi tìm hiểu về trường đại học theo mô hình tinh hoa đầu tiên của Việt Nam.
“Người ta dám đầu tư lớn như vậy, dám hợp tác với các trường Ivy League hàng đầu nước Mỹ, mời toàn giảng viên nước ngoài, tuyển sinh cũng rất nghiêm ngặt thì chứng tỏ là họ làm rất nghiêm túc, bài bản” - ông Trương Vệ Dân, bố của Homi, tự tin khi được hỏi có quá mạo hiểm không khi ủng hộ con gái dù VinUni là một cái tên quá mới.
Homi và cha, người đã hết lòng ủng hộ các ý tưởng “mạo hiểm” của con gái.
Nói về lý do Homi lọt vào “mắt xanh” của hội đồng xét duyệt học bổng VinUni, PGS Siddiqui Zarrin Seema, Giám đốc chương trình Bác sĩ Y khoa (Trường ĐH VinUni), cho biết ngoài bảng điểm “đẹp đến từng con số”, bà vô cùng ấn tượng với kiến thức sâu rộng về khoa học sức khỏe, tư duy sắc bén, khả năng thấu cảm của một bác sĩ tương lai.
“Homi có mục tiêu và đam mê mãnh liệt với ngành y, thể hiện rõ khả năng lãnh đạo trong các tổ chức mà em từng tham gia” - PGS Siddiqui Zarrin Seema đánh giá.
Cũng theo giám đốc chương trình Bác sĩ Y khoa, Homi còn “ghi điểm” đặc biệt với hội đồng xét duyệt học bổng bởi ý tưởng gây quỹ, thành lập một chương trình chăm sóc sức khỏe với sự hậu thuẫn quốc tế nhằm mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, chất lượng cho những người yếu thế trong xã hội.
“Một cô gái đặc biệt tài năng với trái tim nhân ái, dám nghĩ lớn, cùng khát vọng cống hiến cho y khoa và xã hội Việt Nam” - PGS Siddiqui Zarrin Seema nhận xét về những tố chất cốt lõi đã giúp Homi giành học bổng toàn phần từ trường đại học tinh hoa đầu tiên của Việt Nam.