Nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk nhiễm HIV là tin giả

Liên quan đến vụ việc nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk mượn bằng cấp 3 của chị gái để làm việc, mấy ngày nay trên mạng xã hội Facebook đang lan truyền thông tin bịa đặt rằng chồng của nữ trưởng phòng này nói vợ mình bị nhiễm AIDS.

Ai đó đã tự ý chỉnh sửa nội dung bài báo

Trước đó, thông tin trên báo Thời Đại được Báo Mới dẫn lại với tít “Chồng nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk: Vợ tôi bỏ đi rồi”. Nội dung mở đầu bài là “Người nhận là chồng của nữ trưởng phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk… khẳng định không biết vợ mình dùng bằng cấp 3 của chị gái… để làm việc, thăng tiến”. Thông tin trong bài báo không có bất kỳ nội dung nào cho thấy chồng nữ trưởng phòng này nói vợ mình bị nhiễm AIDS và siêu vi C.

Thế nhưng thông tin trên đã bị ai đó tự ý chụp màn hình bài báo và chỉnh sửa lại dòng tít thành “Chồng nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk: Vợ tôi nhiễm AIDS và siêu vi C”. Nội dung mở đầu bài bị chuyển thành: “Người nhận là chồng của nữ trưởng phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk… khẳng định vợ mình bị nhiễm AIDS và có khả năng đã lây nhiễm cho nhiều người ở cơ quan. Ông cũng rất buồn và không biết bà đã đi đâu”.

Đến chiều qua (13-10), một số tài khoản Facebook vẫn còn đăng lại thông tin bịa đặt này, nhiều bình luận khiếm nhã chỉ trích nữ trưởng phòng và những người liên quan.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện báo Thời Đại cho biết ngay khi thông tin được chia sẻ trên Facebook, ban biên tập của báo đã nắm bắt được thông tin và cho kiểm tra ngay. Vị này khẳng định báo Thời Đại không đăng bài với tít và nội dung người chồng của nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk nói vợ mình bị AIDS và siêu vi C. Cụ thể là thông tin chính thống trên báo bị ai đó chụp màn hình rồi tự ý Photoshop chỉnh sửa lại với nội dung hoàn toàn sai sự thật.

“Việc đăng những thông tin như vậy ảnh hưởng tới uy tín của tờ báo và khiến nhiều người lầm tưởng báo Thời Đại viết bài có dòng tít giật gân nêu trên” - đại diện báo Thời Đại cho hay.

Thông tin về nữ trưởng phòng tỉnh ủy được báo Thời Đại đăng tải (ảnh 1) và thông tin bị ai đó tự ý chỉnh sửa lại (ảnh 2). Chúng tôi đã giấu tên nhân vật trong bài và hình.

Người tung tin giả phạm điều cấm của luật

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định rõ: Nghiêm cấm đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

Ngoài ra luật này cũng nghiêm cấm hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó.

Do đó việc tung tin giả một người nhiễm HIV/AIDS đối với người không nhiễm HIV/AIDS hay công khai thông tin một người bị nhiễm HIV/AIDS đều là những hành vi mà pháp luật cấm. Đây là một trong những nguyên tắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.

Ở đây có hai trường hợp xảy ra:

Trường hợp một, nếu người bị tung tin không hề nhiễm HIV, người vi phạm sẽ bị phạt 15-20 triệu đồng về hành vi đưa tin bịa đặt khiến người khác hiểu lầm là bị nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV theo Điều 17 Nghị định 176/2013.

Biện pháp khắc phục hậu quả là người vi phạm phải xin lỗi trực tiếp người bị bịa đặt là nhiễm HIV và cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người bị bịa đặt nhiễm HIV sinh sống liên tục trong ba ngày.

Trường hợp hai, nếu người bị tung tin nhiễm HIV mà người nào công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó; hoặc sử dụng hình ảnh, thông điệp truyền thông có tính chất kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV thì cũng sẽ bị phạt tiền với mức như trên. Người vi phạm buộc phải xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong ba ngày, trừ trường hợp người nhiễm HIV không đồng ý xin lỗi công khai.

Từng xử phạt nhiều trường hợp tung tin sai sự thật

- Tháng 3-2019, một chủ shop thời trang tại Hà Nội bị xử phạt 20 triệu đồng khi đăng tin không đúng sự thật trên Facebook về dịch tả heo châu Phi và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt heo.

- Tháng 8-2019, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với anh Lê Hoài Nam về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận khi anh này đăng lên mạng xã hội Facebook về một vụ chặt đầu dã man xảy ra. Sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và khẳng định không có vụ án mạng nào xảy ra trên địa bàn.

- Đầu tháng 10-2019, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã ra quyết định xử phạt chị Hoàng Thanh Huyền 12,5 triệu đồng vì có hành vi tung tin xuất hiện vi khuẩn ăn thịt người không đúng sự thật trên trang Facebook cá nhân. 

__________________________________

Chúng tôi đã liên hệ với đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk để tìm hiểu rõ sự việc và hướng xử lý. “Nếu hình ảnh chụp lại thì phải có tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này tố cáo thì chúng tôi mới có cơ sở để mà xem xét được. Phải có bên liên quan khiếu nại, tố cáo thì mới có cơ sở để xem xét, giải quyết” - vị đại diện sở nói. Chúng tôi cũng đã liên lạc với người chồng của nữ trưởng phòng để hỏi thông tin liên quan nhưng người này không bắt máy.

HUY TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm