Mới đây, Bộ Nội vụ đã cho phép thành lập cả hai hiệp hội nước mắm Việt Nam và hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam.
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam có tất cả 17 thành viên, đại diện cho các vùng miền khác nhau với các thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng như Nha Trang, Khải Hoàn, Phú Quốc, Phan Thiết…
Trong khi đó, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam gồm một số công ty chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp, trong đó có Tập đoàn Masan với các thương hiệu nước mắm như Chinsu, Nam Ngư...
Bà HỒ KIM LIÊN, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc:
Cần bảo vệ thương hiệu nước mắm Việt Nam tại Mỹ, EU
Sản xuất nước mắm hiện nay trở thành một ngành nghề thế mạnh, có truyền thống phát triển hàng trăm năm qua, và danh tiếng của nước mắm Việt cũng đã vượt xa khỏi biên giới quốc gia.
Thế nhưng, nghịch lý là tại Mỹ và nhiều nước châu Âu khác, người
tiêu dùng đang phải dùng thứ nước mắm “mượn danh” nguồn gốc Việt Nam mà các doanh nghiệp Thái Lan, Hồng Kông đang hưởng lợi.
Tại các thị trường này, nước mắm mang danh Việt Nam được sản xuất tại Thái Lan, Hồng Kông chiếm hơn 80% thị trường. Nổi bật là các loại nước mắm nhĩ Việt Hương (xuất xứ Hồng Kông), nước mắm nhĩ Megachef (xuất xứ Thái Lan), nước mắm nhĩ Phú Quốc (xuất xứ Hồng Kông).
Ngoài ra, nước mắm Thái Lan bán tại thị trường châu Âu (cụ thể là Pháp) còn ngang nhiên ghi rõ trên nhãn là “Nước mắm nhĩ thượng hạng Phú Quốc – Việt Nam”.
Trong khi đó, nước mắm chính gốc “Made in Vietnam” chỉ có một vài tên tuổi nhưng mức tiêu thụ rất khiêm tốn do không cạnh tranh được về giá.
Vì vậy, theo tôi việc thành lập hai hiệp hội nước mắm không có vấn đề gì, miễn sao các hiệp hội và các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải lên tiếng phản đối để bảo vệ sản phẩm truyền thống của mình. Trong đó có nước mắm Phú Quốc đã được Liên minh châu Âu cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ông TRƯƠNG QUANG HIẾN, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết:
Chung sức giữ gìn phát triển nước mắm truyền thống
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam thành lập với mục đích nhắc nhở và giữ gìn nghề sản xuất có lịch sử trên 200 năm, gắn bó với
văn hóa, quê hương, hồn cốt Việt Nam. Tên gọi này cũng liên quan đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ và được đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Cũng liên quan đến cụm từ nước mắm truyền thống không có trong các
văn bản pháp luật, trước giờ người dân và chính quyền hiểu nước mắm là tên gọi sản phẩm lâu đời của Việt Nam sản xuất bằng cá và muối. Nhưng giờ có thêm nhiều loại nước mắm công nghiệp, nước mắm pha chế, nước chấm cũng gắn tên nước mắm nên việc thành lập hiệp hội với tên gọi nước mắm truyền thống giúp người tiêu dùng dễ nhận biết hơn.
Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam sau khi ra đời sẽ cùng các bộ, ngành, hội, hiệp hội liên quan hoàn thiện dự thảo Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sao cho phù hợp với thực tế.
Quy định này nhằm bảo vệ sản phẩm truyền thống của Việt Nam như các nước như Pháp, Na Uy... đã và đang làm với các loại rượu, cá hồi.
Tôi cho rằng, việc cơ quan nhà nước thành lập hai hiệp hội thì các doanh nghiệp, hiệp hội chấp nhận, không có ý kiến. Các đơn vị làm nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp cũng có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau về đầu ra, đều cùng mục đích phát triển ngành nước mắm. Miễn sao hai bên cùng hợp tác phát triển, cùng mục tiêu chung giữ gìn, bảo vệ nghề nước mắm truyền thống của nước ta. Đồng thời đoàn kết để tăng sức cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu nước mắm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Hiện Thái Lan cũng có nguyên ngành nước mắm công nghiệp mà thành phần chỉ có vài % độ đạm, thậm chí gắn mác thương hiệu nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng cần giữ gìn, hỗ trợ phát triển ngành nghề nước mắm truyền thống đã hình thành hàng trăm năm qua.
Ông NGUYỄN QUỐC HÙNG, Phó Giám đốc DNTN Nước mắm Hạnh Phúc:
Không phải vì tôi tham gia Hiệp hội nước mắm truyền thống mà bênh vực. Nhưng việc thành lập hai hiệp hội với tên gọi gần giống nhau thì cũng hơi kỳ, nên có một hiệp hội thống nhất chung thì hợp lý hơn.
Mặt khác, việc thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam với mục đích là bảo vệ những người làm nước mắm truyền thống hàng trăm năm của nước ta. Nếu có thêm một hiệp hội nước mắm Việt Nam nữa thì sau này rất dễ gây hiểu nhầm với người tiêu dùng với các khách hàng
quốc tế. Đó là chưa kể có thể phát sinh những mâu thuẫn sau này nếu cơ quan quản lý để tồn tại một lúc hai hiệp hội với tên gọi đều nước mắm.
Hiệp hội thành lập đều cùng mục đích là gắn kết các hội viên để cùng phát triển ngành nghề. Vì thế, rất cần cơ quan quản lý ở giữa quản lý rạch ròi, kết nối các hiệp hội để cùng một mục tiêu chung là phát triển thương hiệu nước mắm Việt Nam.
Người Nhật, Hàn “khoái” nước mắm Việt Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Giám đốc DNTN nước mắm Thanh Quốc, mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất khoảng 800.000 lít nước mắm. Trong đó, hơn 250.000 lít được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Để xuất khẩu được sang các thị trường này, quy trình sản xuất nước mắm của đơn vị đạt tiêu chuẩn HACCP, hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế và các hướng dẫn về việc tăng cường an toàn thực phẩm trong mọi lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản. Nghề nước mắm truyền thống nếu không phát huy tốt, cải tiến liên tục về mặt an toàn, kỹ thuật và không có một tổ chức hội nghề nghiệp cùng có tiếng nói chung để gìn giữ và bảo vệ sản phẩm truyền thống này thì rất khó. |