Nước Pháp đối diện với nạn… dốt chữ!

Kể từ năm 1977, tại Pháp, mỗi năm thủ tướng đều đề ra chương trình hành động vì “Mục tiêu quốc gia”. Từ đó kêu gọi nhiều tổ chức đoàn thể hoạt động vì mục đích bất vụ lợi tham gia vào các chiến dịch hành động vì lợi ích chung của quốc gia.

Không đọc hiểu sổ đầu bài của con

Ngày 1-3-2013, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tuyên bố “Mục tiêu quốc gia năm 2013” của nước Pháp là “xóa nạn dốt chữ”, với khẩu hiệu “Cùng hành động chống lại nạn dốt chữ”. Từ đó, chiến dịch sẽ nhằm vào mục đích công khai hóa một “hiện tượng ít được biết đến và ít được đánh giá đúng mức”, kêu gọi người dân Pháp quan tâm hơn nữa đến vấn để nhạy cảm này, vốn đang ảnh hưởng đến 2,5 triệu người dân nước này, tức 7% dân số trong độ tuổi 18-65 và phát động chiến dịch “xóa dốt” bằng cách kêu gọi nhiều tổ chức xã hội bắt tay tham gia. Bởi theo một thông cáo báo chí, nạn “dốt chữ” đang là một “trở ngại lớn trong tất cả lĩnh vực của cuộc sống gia đình, đời sống công dân và công việc chuyên môn”.

“Nạn dốt chữ” của người dân Pháp được hiểu như thế nào? Hiện tượng này được định nghĩa là khi đối tượng “không đủ khả năng đọc hiểu một tài liệu viết và không thể tự mình viết đúng một văn bản một cách độc lập trong các tình huống đơn giản của cuộc sống hằng ngày”. Ví dụ như họ không đọc được (để hiểu nội dung) quyển sổ đầu bài của con đi học mang về, không hiểu được nội dung của một tờ hướng dẫn sử dụng dược phẩm, không hiểu được các hướng dẫn tại các cơ quan giao dịch công cộng như bưu điện, ngân hàng, siêu thị, không tự làm được các phép tính đơn giản… Từ đó, họ luôn gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và trong giao tiếp xã hội.

Nước Pháp đối diện với nạn… dốt chữ! ảnh 1

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng giữa “dốt chữ” và “mù chữ”, bởi nhiều người thường nhầm lẫn hai khái niệm này. Theo định nghĩa từ Wikipedia, “mù chữ” là tình trạng của một người không trải qua quá trình học vấn, tức họ không được đi học.

Trong khi đó, “dốt chữ” là tình trạng một người đã trải qua một quá trình học vấn nào đó nhưng cuối cùng không tiếp thu được hoặc đã bị mất đi khả năng đọc, viết và tính toán. Đặc biệt, “dốt chữ” được thể hiện rõ ở khả năng “cảm nhận chữ viết” của đối tượng, bởi họ sẽ không thể tự đọc hiểu một mình nếu cầm bài viết đó trên tay nhưng nếu bài viết đó được người khác đọc ra bằng lời nói cho họ nghe thì họ sẽ hiểu. Do đó, “dốt chữ” gây ra khó khăn lớn trong vấn đề công ăn việc làm của nhiều người. Theo điều tra xã hội học tại Pháp, nhiều nhân viên làm việc tại các công ty vẫn đang trong tình trạng “dốt chữ”, thậm chí có cả những người đang nắm trong tay các chức vụ quan trọng và trọng trách cao.

“Tôi nói sao, viết vậy!”

Pascal, 49 tuổi, chuyên viên phụ trách khâu đào tạo quốc tế tại một tập đoàn khách sạn lớn của Pháp, cũng đang rất thiếu “kiến thức cơ bản” để đọc và viết khiến anh bực bội ra mặt khi phải sử dụng ngôn ngữ Pháp, tiếng mẹ đẻ của anh, việc đọc và viết “thứ tiếng đó” như thể là một hình phạt đối với Pascal. Nhớ lại khi còn ở bậc tiểu học, Pascal không tài nào “nuốt” nổi thứ văn phạm và chính tả tiếng Pháp kinh khiếp đến thế! Nhưng sau này khi ra đi làm khách sạn, Pascal may mắn đã từng bước leo lên được những nấc thang chuyên môn, bắt đầu từ nghề bếp, anh dần dần chạm được vào chiếc ghế giám đốc khách sạn, giao dịch khắp trên cả ba châu lục khác nhau.

Về sau này giám đốc Pascal đã thành lập ra một bộ phận chuyên trách về “cố vấn-đào tạo” của khách sạn và chính anh là người điều hành và tổ chức các khóa đào tạo. Để hoàn thành nhiệm vụ, anh đã phải học lên thêm để có được bằng thạc sĩ. Pascal nhớ lại: “Lúc đó, không ai có thể hiểu được bản luận văn mà tôi viết ra, tôi đã phải nhờ người đọc đi đọc lại, phải giải thích để họ chỉnh sửa giùm tôi không biết bao nhiêu lần”.

Theo chuyên gia xã hội học Benoît Hess, những người dốt chữ đã khéo léo che giấu khuyết tật của họ bằng cách tự trang bị cho mình một tuyệt chiêu là “kỹ năng ăn nói hoạt bát và lưu loát”, còn khi phải đối mặt với các văn bản viết, họ sẽ nhờ đồng nghiệp làm giúp hoặc lệnh cho nhân viên dưới quyền giải quyết rồi học thuộc lòng các văn bản đã được soạn ra.

TƯỜNG NGUYỄN tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm