TP.HCM có 4 dự án
Theo Cushman & Wakefield, TP.HCM đang có gần 20 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 3.940 ha. Thời hạn quyền sử dụng đất trung bình còn lại là 35 năm. Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp trung bình là 65%. Tỷ lệ này thấp do các khu công nghiệp mới còn ít doanh nghiệp đến thuê.
Cụ thể, các khu công nghiệp tại quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân đã kín chỗ. Chỉ có khu công nghiệp ở Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi là còn trống. Trong đó, Bình Chánh có 3 khu công nghiệp nhưng còn trống tới 74% diện tích.
Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM cũng đang mở rộng diện tích. Chẳng hạn, khu công nghiệp Lê Minh Xuân đang xây dựng giai đoạn 3 với quy mô 231 ha. Tổng vốn đầu tư ở giai đoạn 3 là gần 1.150 tỉ đồng.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh sẽ góp 47,92% vốn, tương đương 550 tỉ đồng. Tiến độ góp vốn đến tháng 12, phần còn lại gần 600 tỉ đồng là vốn vay và vốn ứng trước của khách hàng. Thời gian huy động vốn dự kiến đến cuối năm 2018. Hiện tại, khu công nghiệp Lê Minh Xuân có tỉ lệ lấp đầy 100%, thu hút 175 dự án với tổng vốn gần 200 triệu đô la Mỹ.
Một dự án khác cũng đang được xây dựng là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, giai đoạn 2 với 173 ha. Theo thiết kế, khu công nghiệp này sẽ dành hơn 107 ha cho đất nhà máy, xí nghiệp công nghiệp. 30 ha cho đất giao thông, sân bãi và diện tích còn lại sẽ xây dựng kho tàng, công trình đầu mối kỹ thuật hạ tầng, công viên, cây xanh, mặt nước.
Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, giai đoạn 2 đang được mở rộng với 173 ha.
Giai đoạn 1 của khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi đã lấp đầy được 98% diện tích đất xây dựng nhà máy, thu hút được 42 doanh nghiệp trong và ngoài nước, giải quyết được việc làm cho gần 7.000 lao động.
Ngoài ra, TP.HCM còn có 2 khu công nghiệp đang tiến hành giải tỏa và bồi thường để lấy đất làm dự án là Hiệp Phước giai đoạn 3 và Vĩnh Lộc 1 giai đoạn 3. Giai đoạn 1 của khu công nghiệp Hiệp Phước với diện tích khoảng 310 ha đã thu hút 97 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 12.000 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước đang phát triển giai đoạn 3 trên diện tích 1.000 ha. Giai đoạn 3 của khu công nghiệp Hiệp Phước được quy hoạch 3 khu chính. Ngoài khu Kỹ nghệ Việt Nhật sẽ còn 2 khác đang được lập quy hoạch chi tiết để đầu tư hạ tầng cơ sở. Trong đó sẽ có các lô đất khoảng 1.500 – 2.700 m2 cho những doanh nghiệp cần diện tích nhỏ xây dựng nhà xưởng.
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước đã xây dựng các cây cầu huyết mạch dẫn vào khu công nghiệp như Rạch Rộp 1, Mương Lớn 1. Hiệp Phước đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 của 2 cây cầu nói trên với tổng vốn khoảng 350 tỉ đồng để thông suốt tuyến đường vào khu cảng Hiệp Phước và khu công nghiệp Hiệp Phước.
Còn khu công nghiệp Vĩnh Lộc 1 giai đoạn 3 cũng đang được giải tỏa và bồi thường với diện tích 200 ha ở huyện Bình Chánh.
Đua nhau mở rộng ở tỉnh
Không chỉ TP.HCM, hàng loạt khu công nghiệp ở các tỉnh cũng rầm rộ mở rộng quy mô. Chẳng hạn, sau 20 năm thành lập, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã 7 khu công nghiệp 3 miền, trải dài ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương và Nghệ An với tổng diện tích 6.600ha.
Khu công nghiệp Hiệp Phước tiếp tục phát triển giai đoạn 3 trên diện tích 1.000ha
VSIP đang khảo sát khả năng triển khai 2 dự án mở rộng của VSIP tại Bình Dương và Bắc Ninh. Hai dự án mở rộng này có có quy mô 1.500 ha. VSIP là liên doanh giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex IDC (nắm 49% vốn) và liên minh các nhà đầu tư Singapore do Sembcorp dẫn đầu (giữ 51% vốn). Sembcorp đang giữ 92,9% cổ phần trong liên minh này.
Tương tự, khu công nghiệp Long Đức ở Đồng Nai đã lấp đầy 60% diện tích. Nhà đầu tư đang muốn mở rộng giai đoạn 2. Long Đức nằm trên địa bàn huyện Long Thành, có tổng diện tích 282 ha. Nhà đầu tư là liên doanh giữa 3 tập đoàn Nhật Bản, gồm: Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco – Solution và Công ty Donafood của Việt Nam.
Tương tự, Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành đang hoàn tất quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 và kiểm kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành. Amata Long Thành do Công ty cổ phần Amata Việt Nam, Amata VN Public Company Limited và bà Somhatai Panichewa thuộc tập đoàn Amata của Thái Lan thành lập.
Dự án khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu đô la Mỹ, được xây dựng trên khuôn viên khu đất hơn 410ha tại các xã Tam An, An Phước và thị trấn Long Thành. Đây là khu công nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Nhận thấy thị trường tiềm năng, Công ty Cổ phần Căn Nhà Mơ Ước (DRH) đã chi tiền gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Khoán sản Bình Dương (KSB) tối thiểu lên 51% cổ phần, đưa KSB trở thành công ty con của DRH. Ông Phan Tấn Đạt, Tổng Giám đốc DRH cho biết, KSG có khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn 1 với diện tích hơn 136ha tại Bắc Tân Uyên.
“Với giá cho thuê là 55 đô la/m2 nhưng giai đoạn 1 đã kín chỗ. Chúng tôi đang mở mở rộng khu công nghiệp Đất Cuốc ở giai đoạn 2 với 200ha. Đây là hướng đi đúng đắn và tôi tin chắc chắn sẽ thành công”, ông Đạt nói.
Khu công nghiệp Đất Cuốc giá cho thuê là 55 USD/m2
Cushman & Wakefield đánh giá, với Hiệp định TPP và các Hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia gần đây, cộng với tình hình kinh tế ổn định, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và chi phí lao động thấp, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Xu hướng trong thời gian tới là các nhà đầu tư ngoại có thể chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận hưởng những ưu đãi về thuế. Nhu cầu đối với đất công nghiệp đang tăng lên, giúp phân khúc này là một kênh đầu tư đầy hứa hẹn.
“Giá thuê thấp nhất TP.HCM là tại khu công nghiệp Củ Chi đạt 1,52 triệu đồng mỗi m2/tổng thời hạn thuê. Giá cao nhất là tại quận 7, lên tới 5,8 triệu đồng một m2/tổng thời hạn thuê. Giá thuê đất khu công nghiệp tại TP.HCM cao gấp đôi so với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai”, báo cáo của Cushman & Wakefield viết.
Từ nay đến năm 2030, Cushman & Wakefield nhận định, quỹ đất dành cho khu công nghiệp tại TP.HCM sẽ tăng khoảng 2.600ha với 10 dự án khu công nghiệp mới.