Tập đoàn Tan Chong Motor (trụ sở tại Malaysia) mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn SAIC Motor International (Tập đoàn Công nghiệp ô tô quốc tế Thượng Hải - Trung Quốc (TQ)) nhằm mở rộng sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam (VN).
Không được lòng người tiêu dùng VN
Tan Chong đang sở hữu các nhà máy lắp ráp ô tô tại VN và Myanmar. Từ đầu năm 2019, tập đoàn này đổ thêm 50 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tại Đà Nẵng. Với việc rót thêm 50 triệu USD, vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Tan Chong tại VN tăng từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD.
Để hiện thực hóa kế hoạch mở rộng chỗ đứng tại thị trường ô tô VN, Tan Chong đã bắt tay với Tập đoàn Công nghiệp ô tô quốc tế Thượng Hải, hãng xe nội địa lớn nhất TQ. Ngoài ra một số hãng ô tô khác cũng đang muốn hợp tác, thuê lại nhà máy Tan Chong ở Đà Nẵng để lắp xe TQ thay cho nhập khẩu.
Trước xu hướng các đại gia ô tô TQ muốn nhảy vào sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô tại VN, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do thị trường VN còn dư địa lớn để khai thác vì nhu cầu mua ô tô của người Việt đang tăng lên. Theo ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, vài năm trước đã có nhiều thương hiệu ô tô TQ nhảy vào thị trường VN. Để cạnh tranh, xe TQ hút khách bằng giá rẻ và vẻ ngoài bóng bẩy. Tuy nhiên, với chất lượng hạn chế hơn các thương hiệu xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… nên xe TQ không được lòng người tiêu dùng VN.
Thế nhưng hiện nay đã có một số người tiêu dùng “cởi mở” hơn với ô tô xuất xứ từ nước này. “Hiện có thương hiệu ô tô TQ như Zotye đạt doanh số bán hàng khá tốt vì sử dụng động cơ Nhật Bản là Mitsubishi. Khách hàng đặt mua nhiều vì mẫu mã xe đẹp, nhiều tiện ích, giá cả hợp lý. Chính vì vậy việc các đại gia ô tô TQ hợp tác phát triển tại thị trường VN là có cơ sở” - ông Trường nhận định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2018, lượng xe con TQ nhập khẩu vào VN đạt khoảng 800 chiếc, chủ yếu là dòng xe du lịch đa dụng (SUV) dưới chín chỗ ngồi. Mặc dù lượng xe này chỉ chiếm khoảng 2% thị phần trong tổng số xe nhập khẩu của VN nhưng ông Trường cho rằng những chiếc xe TQ xuất hiện nhiều trên đường cho thấy khách hàng VN cũng bắt đầu chú ý đến xe từ nước này.
Người tiêu dùng Việt e ngại không ít về chất lượng xe TQ khiến doanh số bán còn èo uột. Ảnh: QUANG HUY
Anh Minh Tuấn, chủ một đại lý kinh doanh ô tô ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, nhận xét hiện nay các hãng xe hơi TQ tung ra nhiều chiêu để thu hút khách VN. Nhờ vậy mẫu xe Zotye của nước này nhập vào VN ngày càng nhiều, doanh số bán ra tính toàn thị trường VN cũng được vài chục xe mỗi tháng.
“Ô tô TQ hiện chủ yếu khai thác phân khúc xe bảy chỗ, giá khoảng 500-700 triệu đồng tùy loại. Giá rẻ hơn các mẫu xe sản xuất lắp ráp tại VN và xe thương hiệu Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ 300-400 triệu đồng. Với lợi thế giá rẻ, nhiều tiện ích, công nghệ nên ô tô TQ vẫn có thể có cơ hội cạnh tranh các hãng sản xuất xe tại VN” - anh Tuấn đánh giá.
Nhanh chóng “về nước” Lâu nay những thương hiệu xe TQ gia nhập thị trường VN dù theo kiểu liên doanh hay nhập khẩu đều nhanh chóng “trở về nước”. Bởi nếu khách hàng muốn mua một chiếc xe ở phân khúc thấp, giá rẻ, vừa túi tiền với người Việt thì họ vẫn có các thương hiệu như xe Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Vì thế ô tô TQ tại VN lâu nay đi bằng chiến lược giá rẻ nhưng không thể chinh phục được người Việt. Chuyên gia ô tô NGUYỄN MINH ĐỒNG |
Vẫn khó chinh phục người Việt
Tuy vậy, anh Minh Tuấn cũng như nhiều đại lý kinh doanh ô tô thừa nhận rất e dè khi lấy xe thương hiệu TQ vì số lượng người tiêu dùng VN lựa chọn rất ít. Lý do là ô tô TQ hay hỏng vặt, việc sửa chữa cũng gặp khó khăn khi phải đợi phụ tùng nhập về từ TQ.
Chưa kể xe TQ mất giá rất nhanh, mới mua năm nay, năm sau giá có thể mất một nửa. Đặc biệt gần đây nhiều người than phiền dòng xe Zotye Z8 đang bán chạy của TQ tiêu tốn nhiên liệu quá nhiều, thậm chí có khi lên đến 15,5-15,7 lít/100 km, cao hơn rất nhiều so với một số dòng xe khác cùng phân khúc, dung tích động cơ.
“Phần điện tử của xe TQ hay hỏng, nội thất xuống cấp nhanh, không êm; giá rẻ nhưng nhanh xuống vì hầu như không có hậu mãi… Mặt khác, ô tô TQ hay nhái thiết kế, động cơ, nội thất của những hãng xe nổi tiếng trên thế giới như Range Rover, Audi, Lexus. Thực tế cho thấy những người TQ làm việc tại VN là khách hàng chính của các dòng xe TQ” - chủ một đại lý xe hơi ở Tân Bình (TP.HCM) phân tích.
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, cũng cho rằng nếu ô tô TQ tiếp tục cạnh tranh bằng giá rẻ, vẻ bề ngoài nhái xe sang mà chất lượng, dịch vụ, bảo hành sửa chữa kém thì rất khó cạnh tranh tại thị trường VN.
“Hiện nhiều tập đoàn trong nước đã chiếm lĩnh thị trường ô tô VN quá chắc chắn như Thaco, HTC, Vinfast... Ngoài ra, nhiều hãng xe có tiếng nhất thế giới đều có mặt thì rất khó cho đại gia ô tô TQ cạnh tranh. Quan trọng nhất, đa số người tiêu dùng vẫn hoài nghi với ô tô thương hiệu TQ. Nếu đại gia ô tô TQ sản xuất xe phân khúc giá rẻ thì hiện nay quá nhiều hãng đã làm, có nhiều mẫu xe, không thể chen chân. Còn xe sang lại càng khó vì chất lượng không bằng” - ông Trường nhìn nhận.
Đạt chất lượng là một chuyện nhưng… Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 6-2019, VN nhập khẩu khoảng 75.500 ô tô nguyên chiếc các loại, gấp hơn sáu lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 6, VN nhập ô tô từ Thái Lan với gần 7.600 chiếc, từ Indonesia 1.500 chiếc, từ TQ 650 chiếc, xếp sau là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho hay xe con TQ khi nhập khẩu vào VN đều phải được kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tương tự như ô tô nhập khẩu từ các nước. Nếu Cục Đăng kiểm VN đã cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho mẫu xe nào thì mẫu xe đó đều được xem là đạt chất lượng lưu hành ở VN. Tuy nhiên, đạt chất lượng là một chuyện, còn việc mẫu xe đó có bền bỉ hay chất lượng tương đương với xe Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay không lại là chuyện khác. |