228 sĩ quan cảnh sát Philippines đã bị ông Duterte cáo buộc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc sai phạm về nghiệp vụ như sử dụng và buôn bán ma túy, tham nhũng, tham gia bắt cóc và sát hại một doanh nhân Hàn Quốc.
Ông gọi nhóm sĩ quan cảnh sát này đã “thối nát đến tận lõi” và khẳng định đã ra lệnh thuyên chuyển họ đến vùng Basilan, hòn đảo ở miền Nam Philippines và là nơi tổ chức khủng bố Abu Sayyaf ẩn náu.
“Tôi cần thêm cảnh sát ở miền Nam. Vùng Basilan đang thiếu cảnh sát, thế nên các đồn ở đây mới thường bị tấn công” - ông Duterte phát biểu trước nhóm sĩ quan bị bắt đứng dưới nắng gần một tiếng đồng hồ. “Đó cũng là lý do vì sao tất cả các anh phải đứng ở đây. Các anh sẽ được biên chế vào Nhóm đặc biệt miền Nam. Nếu các anh không đến đó, cứ gặp cấp trên mà thông báo rằng các anh chọn nghỉ việc”.
Ông Duterte ra tối hậu thư cho các cảnh sát bị cáo buộc vi phạm pháp luật ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Nhóm sĩ quan đã phải đứng dưới nắng gần một tiếng đồng hồ. Ảnh: AP
Theo tờ The New York Times, ông Duterte cho các sĩ quan này 15 ngày để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Ông cũng cho biết quyết định thuyên chuyển này sẽ có hiệu lực trong vòng ít nhất là hai năm. “Nếu các anh còn sống thì sẽ được về nhà. Nếu các anh chết, tôi sẽ lệnh cho cảnh sát nơi đó đừng phí công đưa các anh về mà cứ chôn ở đó luôn đi” - ông Duterte giận dữ thông báo.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6-2016, ông Duterte đã mở chiến dịch càn quét các đối tượng sử dụng và buôn bán vũ khí. Các tổ chức giám sát cho biết đã có hơn 3.600 người chết có liên quan đến chiến dịch này. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Philippines thời gian qua đã vấp phải nhiều bê bối liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Đỉnh điểm là vụ bắt cóc và giết hại doanh nhân Hàn Quốc Ji Ick-joo vào tháng 10-2016.
Sự kiên nhẫn và niềm tin của ông Duterte đối với lực lượng cảnh sát dường như đã đạt giới hạn. Tuần trước, ông đã quyết định chỉ định quân đội cùng một cơ quan chuyên trách chống ma túy thay thế cho lực lượng cảnh sát quốc gia để thực hiện chiến dịch.