Ông Macron nói về việc xác định ‘lằn ranh đỏ’ cho Nga trong xung đột Ukraine

(PLO)-  Tổng thống Pháp cho rằng cần thận trọng khi xác định lằn ranh đỏ về Ukraine vì gây chiến với Nga “đồng nghĩa với gây chiến với một quốc gia hạt nhân”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 18-4 đã cảnh báo về việc xác định “lằn ranh đỏ” về Ukraine cho Nga để tránh khả năng Pháp can dự vào cuộc xung đột.

“Nói về lằn ranh đỏ hôm nay có nghĩa là đồng thời nói về hành động mà chúng ta sẵn sàng thực hiện, mục tiêu là gì và hậu quả sẽ là gì khi trở thành một bên trong cuộc xung đột và thực sự tiến tới chiến tranh với Nga” – hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Macron nói trên kênh truyền hình France-5 TV.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Chủ nhân Điện Élysée nhắc lại rằng vào năm 2018, các nước phương Tây đã xác nhận cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria, sau đó Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành một cuộc tấn công chung nhằm vào nước này.

Ông Macron nhấn mạnh: “Gây chiến với Nga đồng nghĩa với gây chiến với một quốc gia hạt nhân. Đây là một trách nhiệm cao không thể dễ dàng thực hiện”. Với quan điểm này, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận thận trọng, có tính toán, đồng thời kêu gọi hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Tổng thống Macron đưa ra cảnh báo trên khi trả lời câu hỏi về cái gọi là “ranh giới đỏ” sau khi xuất hiện những cáo buộc Nga sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Cụ thể, theo hãng tin Sputnik, vào tuần trước, quân đội Ukraine đã cáo buộc Nga sử dụng chất độc hóa học ở thành phố Mariupol, khiến các máy bay chiến đấu và một số dân thường cảm thấy buồn nôn.

Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa được xác nhận và không có bằng chứng về vụ tấn công hóa học do người dân thành phố cung cấp. Về phần mình, Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời bày tỏ quan ngại về mối đe dọa tấn công hóa học do quân đội Ukraine tiến hành.

Vào ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu giúp đỡ của lãnh các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Mỹ, EU, Anh và một số quốc gia khác đã phản ứng bằng cách liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.

Trong vòng chưa đầy hai tháng, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Moscow cho biết hiện họ đang phải chịu hơn 6.000 hạn chế trong các lĩnh vực khác nhau, nhiều hơn hẳn số hạn chế của Iran, Venezuela, Myanmar và Cuba cộng lại.

Tuy vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cuộc tấn công kinh tế của phương Tây đã không thể phá vỡ nền kinh tế của nước ông và chính các quốc gia đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào đang bị tác động ngược lại.

Theo đài RT, phát biểu tại cuộc họp chính phủ ở Moscow hôm 18-4, Tổng thống Putin cho rằng các nước phương Tây đã thất bại trong nỗ lực gây bất ổn nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt.

“Mục tiêu (của phương Tây) là nhanh chóng phá hoại tình hình tài chính và kinh tế ở nước ta, gây rối loạn trên thị trường, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và sự thiếu hụt hàng hóa quy mô lớn trong các cửa hàng. Nhưng chính sách này đã thất bại, cơn bão trừng phạt kinh tế đã mắc cạn. Nga đã chịu đựng được áp lực chưa từng có này” - ông Putin tuyên bố.

Theo nhà lãnh đạo Nga, chính các quốc gia đưa ra lệnh trừng phạt đã bị tác động ngược lại, cụ thể là Mỹ và EU (Liên minh châu Âu), dẫn đến tình trạng lạm phát và thất nghiệp tăng vọt ở các quốc gia này, mức sống của người dân ngày càng giảm.

Tổng thống Putin thừa nhận người Nga cũng đã cảm thấy tác động của các lệnh trừng phạt đối với ngân sách gia đình của họ, vì giá cả ở nước này trong vòng một tháng rưỡi qua đã tăng 9,4% và lạm phát hằng năm tăng lên 17,5% vào ngày 8-4. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng giá cả hiện đang có dấu hiệu ổn định lại và ông cam kết sẽ đưa ra các biện pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới