Trong phiên xử vụ án bà Hứa Thị Phấn và đồng phạm chiều nay, ông Phạm Công Danh (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) cho biết không có thời gian xem xét kỹ về Ngân hàng Đại Tín (TRUSTBANK). Tháng 8-2014, ông Danh nhận mua Ngân hàng Đại Tín và đổi tên thành VNCB. Ông Danh cũng không nhớ sao lại quyết định định giá lại căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch.
“Tôi nghĩ tài sản ngân hàng phải chuẩn mực nên tôi tin là mình làm đúng nhưng bây giờ tôi mới thấy được điều quá sức kinh khủng, tài sản bất động sản của tôi chênh lệch 12%-20%. Việc đúng hay sai tôi không dám nói, nhưng mong HĐXX làm rõ về hậu quả hành vi này, tôi không dám làm tổn hại cho ai kể cả bà Phấn” - ông Danh nói.
Trả lời câu hỏi của luật sư: Có khi nào nhóm của Hứa Thị Phấn giải trình căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch không phải giá tới 1.268 tỉ mà thực tế giá thấp hơn không (giá chỉ khoảng 181 tỉ đồng-PV)?
Ông Phạm Công Danh nói mình bị sốc khi biết giá trị căn nhà bị kê khống từ 181 tỉ lên 1.268 tỉ đồng.
Ông Danh cho biết chưa bao giờ nghe mua nhà bán gấp 3-4 thậm chí gấp 8 lần như vậy: “Nếu biết thực trạng như thế này thì không bao giờ tôi dám đụng vào. Đây là sai lầm rất lớn của tôi trong đó có niềm tin đối với bà Phấn, thực sự bả quá giỏi”.
“Khi thẩm định giá lại tôi vô cùng bàng hoàng về giá trị căn nhà sao lại thấp quá vậy chỉ khoảng 181 tỉ đồng. Tôi rất sốc. Nếu ai mua 100 tỉ tôi cũng bán luôn. Tôi không còn niềm tin nào nữa. Rất nhiều lần mang hồ sơ ra làm việc với Ngân hàng Nhà nước nhưng Ngân hàng Nhà nước không can thiệp dứt khoát. Nếu giải quyết dứt khoát đã không có hậu quả xảy ra như ngày nay”, ông Danh đáp.
Cuối cùng ông nhấn mạnh: “Không những tôi và cả thế giới này không ai dám đụng vô tài chính ngân hàng. Rất nhiều lần bức xúc, tôi trình bày cũng được HĐXX nhắc nhở nhiều lần rồi”.
Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, VKSND Tối cao truy tố bị can Hứa Thị Phấn (71 tuổi), Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ), Ngô Kim Huệ (nguyên thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, là cháu bị can Phấn) về hai tội danh: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3 Điều 165 BLHS 1999 có khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (khoản 4 Điều 175 BLHS có khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm).
Theo cáo trạng, Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước (tỉnh Long An). Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên giúp Phấn mua hơn 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ ngân hàng này.
Bà Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Bà Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ gần 85% vốn điều lệ, là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín… Đặc biệt các bị cáo bị cáo buộc với hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng.
Riêng đối với Ngân hàng Đại Tín, vào tháng 8-2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Ngân hàng Đại Tín từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn vào tiếp quản và điều hành hoạt động. Từ đó ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam để thực hiện tái cơ cấu.
Thứ Hai tuần tới, ngày 14-5, toà tiếp tục làm việc.