Hôm nay (15-1), Trường ĐH Luật TP.HCM (Khoa Dân sự) tổ chức hội thảo về những điểm mới của Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) năm 2024.
Bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Sương (đang công tác tại một công ty luật) cho biết khoản 4 Điều 15 Luật Tổ chức TAND 2024 quy định tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ. Tòa án chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án (khoản 7 Điều 15 Luật Tổ chức TAND năm 2024).
So với Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các quy định liên quan, có một số điểm mới cơ bản của Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án. Đó là tòa án không có nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự. Tòa án chỉ đóng vai trò là chủ thể hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp luật định. Điều khoản quy định về việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự tại Luật Tổ chức TAND năm 2024 có nhiều điểm khác biệt so với pháp luật về tòa án của một số quốc gia trên thế giới.
Bình luận về điểm mới này, bà Sương cho rằng pháp luật điều chỉnh về TAND qua mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những cách quy định khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là đều khẳng định nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự là của đương sự. Tòa án chỉ có nhiệm vụ duy nhất là xem xét mọi tình tiết của vụ án và khi cần thiết có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, toàn diện.
Bên cạnh mặt tích cực, bà Sương cho rằng khoản 4 Điều 15 còn để ngỏ một khoảng trống pháp lý đó là việc hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ có được xem là một chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án như quy định tại Luật Tổ chức TAND 2014 hay không? Bởi lẽ, trong vụ án dân sự, mặc dù tòa án là cơ quan xét xử nhưng ở một vài khía cạnh nhất định, tòa án vẫn có nghĩa vụ chứng minh để làm sáng tỏ chân lý khách quan của vụ án và hoạt động chứng minh của tòa án còn là cơ sở để đưa ra các phán quyết của mình.
Theo bà Sương, trong thực tế xảy ra nhiều trường hợp với những chứng cứ mà chỉ đương sự thu thập được sẽ không thể giúp tòa án tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Hơn nữa, nếu việc thu thập, đánh giá chứng cứ của tòa án chưa đầy đủ sẽ dẫn đến nhiều trường hợp bản án tuyên thiếu chính xác, chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự. Nghiêm trọng hơn là bị tòa cấp trên tuyên hủy để giải quyết xét xử lại nhiều lần…
"Cuộc chơi" trong tố tụng dân sự là "cuộc chơi của các bên"
Cùng vấn đề, ông Quách Hữu Thái (Phó chánh án TAND TP.HCM) cho rằng vấn đề tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ hay không tranh cãi rất nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành luật này. Ý kiến phản đối của giới luật sư chiếm tỷ lệ nhiều.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng tinh thần Luật năm 2024 thì giai đoạn đầu có thể có những khó khăn nhất định, nhưng về lâu dài đây là sự tiến bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để luật sư phát huy hết khả năng của mình.
Còn nếu yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu chứng cứ mà không cung cấp thì đương sự có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan tổ chức đang lưu giữ chứng cứ.
"Bỏ quy định tòa án thu thập chứng cứ tạo điều kiện cho các luật sư phát huy hết vai trò, nhiệm vụ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự", ông Thái nói và cho biết trong định hướng tố tụng chung của các nước trên thế giới thì không nước nào như Việt Nam từ trước tới nay quy định toà án phải thu thập chứng cứ.
"Cuộc chơi trong tố tụng dân sự là cuộc chơi bình đẳng giữa các bên, đó là đặc thù của tố tụng dân sự chứ không có nhầm lẫn giữa tố tụng dân sự với tố tụng hình sự. Bây giờ quyền lợi, lợi ích là của nhân dân, hai bên đều là nhân dân, bây giờ bảo vệ bên này bỏ bên kia hay sao?”, ông Thái nêu.
Cũng theo Phó Chánh án TAND TP.HCM, chỉ có rất ít một số nước ví dụ như Hàn Quốc thì toà án hỗ trợ thu thập chứng cứ nhưng chỉ trong việc bảo vệ lợi ích công. Còn lại hầu như tất tần tật nghĩa vụ thu thập chứng cứ là của các bên đương sự, toà án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Đây là nguyên tắc tố tụng tiến bộ mà đa số các nước trên thế giới áp dụng…
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật Dân sự) cũng cho rằng tòa án là cơ quan xét xử nên việc để tòa án thu thập chứng cứ là không khách quan. Trong khi hiện nay lực lượng luật sư rất đông sẽ làm tốt việc này.
Như thế nào là đã thực hiện các biện pháp cần thiết?
Luật sư Nguyễn Trương Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng ủng hộ quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Theo ông Tín, quá trình thông qua luật này, có quan điểm không ủng hộ với lý do những người yếu thế sẽ như thế nào, người không có tiền thuê luật sư thì sao. Tuy nhiên, quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức TAND 2024 cũng không thay đổi nhiều so với quy định trước đó. Quy định này không có đột phá mà chỉ tạo sự chủ động hơn cho các bên và tòa án cũng sẽ hỗ trợ cho các bên yếu thế...
Một ý kiến khác tại hội thảo thì cho rằng Luật năm 2024 quy định tòa án sẽ hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị tòa án hỗ trợ.
Tuy nhiên, như thế nào là “đã thực hiện các biện pháp cần thiết”, đương sự phải chứng minh việc đã thực hiện các biện pháp cần thiết này như thế nào? Cần quy định rõ về các tiêu chí xác định...