Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tổ chức TAND 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) với nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức TAND hiện hành (Luật năm 2014).
Một trong những vấn đề lớn được quy định trong luật mới nhận được nhiều quan tâm của dư luận là việc thu thập chứng cứ trong giải quyết vụ án.
Tòa chỉ hỗ trợ thu thập chứng cứ
Luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án mà trong luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính quy định nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Việc này dẫn đến nhiều đương sự dựa vào quy định này để yêu cầu tòa thu thập chứng cứ, tăng khối lượng công việc của tòa án.
Theo Điều 15 Luật Tổ chức TAND 2024, trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định.
Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
Như vậy, có thể thấy quy định mới một lần nữa khẳng định việc thu thập chứng cứ trong vụ án không phải nghĩa vụ của Tòa mà các đương sự trong vụ án chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sẽ dựa vào các chứng cứ của các bên đương sự cung cấp để thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để giải quyết vụ án.
Cũng cần làm rõ một vấn đề là việc Tòa án khi xác minh tại các cơ quan, tổ chức không phải là đang đi thu thập chứng cứ mà việc làm này là để thẩm tra, xác minh tính chính xác của các chứng cứ mà đương sự cung cấp nhằm giải quyết vụ án một cách chính xác.
Thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt
Điều 62 và Điều 63 của luật mới đã bổ sung quy định thành lập các tòa sơ thẩm chuyên biệt như: Tòa sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Phá sản, Sở hữu trí tuệ.
Về cơ cấu tổ chức, TAND sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Thẩm phán TAND công tác tại TAND sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Như vậy có thể thấy việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt dựa trên tính cấp thiết và tình hình hiện nay vì thực tế phát sinh rất nhiều loại án khó, phức tạp, số lượng vụ án giải quyết ngày càng gia tăng nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu để giải quyết.
Ngoài ra, việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt cũng thể hiện tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp và tăng uy tín quốc tế trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
Lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán để giải quyết vụ án
Điều 135 Luật Tổ chức TAND 2024 cũng quy định rõ về nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử.
Theo đó, Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ quyết định phân công Thẩm phán, Hội thẩm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên theo quy định của pháp luật và quy định của TAND Tối cao.
Việc lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán giải quyết vụ án để đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, chỉ tuân theo pháp luật, tránh trường hợp Chánh án phân công thẩm phán giải quyết dựa vào cảm tính, ý chí chủ quan.
Thành lập các Vụ thuộc TAND Cấp cao
Một trong những điểm mới về cơ cấu, tổ chức của TAND Cấp cao là nâng cấp các phòng Giám đốc, kiểm tra thành các Vụ thuộc TAND Cấp cao.
Việc tái cơ cấu để phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị tham mưu.