Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tổ chức TAND 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) với nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức TAND hiện hành (luật năm 2014). Trong đó nhiều quy định mới liên quan đến chức danh Thẩm phán cũng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và những người công tác trong ngành tòa án.
Thẩm phán nghỉ hưu hoặc chuyển công tác mới hết nhiệm kỳ
Theo luật mới, chức danh Thẩm phán sẽ chỉ còn có hai ngạch là: Thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán TAND.
Tương ứng với hai ngạch này, Điều 100 đã quy định nhiệm kỳ của thẩm phán TAND Tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Đối với thẩm phán TAND, thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là năm năm kể từ ngày được bổ nhiệm; trường hợp được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Trường hợp thẩm phán TAND được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án thì khi được phân công lại làm thẩm phán TAND thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán TAND và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của thẩm phán TAND đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Như vậy, so với quy định hiện nay ngạch của thẩm phán đã giảm xuống từ 4 ngạch (thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp) xuống còn hai ngạch. Đồng thời nhiệm kỳ của thẩm phán cũng đã thay đổi, hiện nay quy định nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.
Về tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán TAND, luật mới cũng đã bổ sung thêm tiêu chuẩn "có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên" để phù hợp với điều kiện bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp theo quy định của Luật hiện hành (có thời gian làm công tác pháp luật từ 5 năm trở lên).
Luật sư, giảng viên có thể được bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao
Một trong những quy định khác cũng được đặc biệt quan tâm đó mở rộng nguồn để bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND Tối cao.
Cụ thể, khoản 2 Điều 96 quy định người không công tác tại các Tòa án nhưng có uy tín cao trong xã hội, có đủ tiêu chuẩn như: Là công dân Việt Nam, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm (có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên; có năng lực xét xử, giải quyết những vụ án, vụ việc) thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Người giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức trung ương am hiểu sâu sắc về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao.
- Chuyên gia, luật sư, giảng viên đại học, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Số lượng thẩm phán TAND Tối cao được tuyển chọn, bổ nhiệm theo diện này là không quá hai người.
Như vậy có thể thấy việc bổ sung nguồn để bổ nhiệm chức danh thẩm phán TAND Tối cao để đảm bảo theo yêu cầu tại Nghị quyết 27 NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Thực tiễn công tác xét xử của TAND Tối cao cũng đang rất cần luật sư, giảng viên đại học, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan, tổ chức chính trị… để giải quyết các vụ việc ngày càng phức tạp trong tình hình mới.
Thẩm phán không phải giải trình trong quá trình giải quyết vụ án
Nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong luật mới cũng đã mở rộng và quy định rõ hơn so với hiện hành.
Cụ thể, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của thẩm phán, hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
Cạnh đó, không điều tra đối với thẩm phán, hội thẩm về việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đang trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ xác định thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật hình sự trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc đó.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của thẩm phán, hội thẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Thẩm phán sẽ được bảo vệ
Theo Điều 140 Luật Tổ chức TAND 2024 thì HĐXX, thẩm phán và các chức danh tư pháp khác thuộc đối tượng được bảo vệ. Theo đó, HĐXX, thẩm phán và các chức danh tư pháp khác được lực lượng cảnh sát nhân dân bảo vệ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Tòa án.
Cạnh đó, Điều 102 cũng nêu rõ thẩm phán được tôn trọng danh dự, uy tín, được bảo vệ khi thi hành công vụ và trong trường hợp cần thiết.
Nghiêm cấm các hành vi sau đây: Đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của thẩm phán, thân nhân của thẩm phán khi thẩm phán thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; Cản trở thẩm phán thi hành công vụ; Gây ảnh hưởng đến Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; sự vô tư, khách quan của thẩm phán khi thi hành công vụ.