Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran đã leo thang đáng kể từ khi Riyadh xử tử giáo sĩ Hồi giáo Shi'ite Nimr al-Nimr hôm 2-1, gây ra làn sóng phẫn nộ trong những người Hồi giáo dòng Shi'ite. Người biểu tình Iran sau đó tấn công Đại sứ quán Saudi. Đáp lại, Riyadh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.
Phát biểu trước báo giới ngày 18-1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh cho biết Bắc Kinh không đứng về phe nào.
"Liên quan đến một số vấn đề của khu vực, Trung Quốc luôn giữ lập trường cân bằng" - ông Trương đáp lại khi được hỏi về căng thẳng giữa Riyadh và Tehran.
"Nếu Trung Đông không ổn định, tôi e thế giới không thể hòa bình. Nếu một quốc gia hoặc một khu vực không ổn định, thế giới không thể có được sự phát triển. Phía Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các quốc gia trong khu vực tìm ra một con đường phát triển phù hợp với điều kiện quốc gia của mình " - ông nói thêm.
Chuyến thăm của ông Tập đến hai quốc gia này sẽ là cuộc gặp hiếm hoi. Ông Trương thậm chí không tiết lộ ông Tập sẽ có mặt tại hai quốc gia trên vào thời gian nào.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ khai mạc của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) ở Bắc Kinh hôm 16-1-2016. Ảnh: Reuters
Người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình - Hồ Cẩm Đào là nhà lãnh đạo Trung Quốc gần nhất đến thăm Saudi Arabia kể từ năm 2009 và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân là chủ tịch nước gần nhất của Trung Quốc đến thăm Iran kể từ năm 2002.
Iran cũng vừa thoát khỏi tình trạng cô lập kinh tế hôm 16-1 khi các cường quốc gỡ bỏ lệnh cấm vận nước này sau khi Tehran thực hiện cam kết ngăn chặn chương trình hạt nhân của mình.
Ông Trương không đề cập "tương lai" của mối quan hệ Trung Quốc-Iran là gì, mặc dù nói rằng năng lượng là "một phần quan trọng" của sự hợp tác.
Hôm 17-1, Tân Hoa xã cho biết Iran sẽ là một phần quan trọng trong sáng kiến "Con đường tơ lụa" mới của Trung Quốc để phát triển các mối liên kết thương mại cũng như giao thông trên toàn châu Á và xa hơn, mà Bắc Kinh gọi là chiến lược "một vành đai, một con đường".