Các hãng tin lớn của thế giới như CNN, The Guardian, Telegraph, NYTimes,… đều điểm qua những sự kiện được thế giới trông đợi nhất trong năm 2016. Theo CNN, 2016 sẽ là một năm căng thẳng và phải trông chờ đến năm 2017 thì mọi người mới có thể nhẹ nhõm hơn. Theo The Guardian, nếu tiếp cận bằng phương pháp dự báo cũ thì năm 2016 sẽ chứng kiến nhiều thảm kịch tại Syria và Yemen; dòng người tị nạn chảy mạnh vào EU; khủng hoảng Hy Lạp lặp lại;… Tuy nhiên, cũng có nhiều dấu hiệu lạc quan trong năm mới này.
Mỹ: Chạy đua vào Nhà Trắng
Theo The Guardian, việc dự báo những chuyển biến trong nền chính trị của cường quốc số một thế giới - Hoa Kỳ trong năm 2016 chỉ là “trò trẻ con”. Chính trị Mỹ quả thật rất khó đoán. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vốn đã bắt đầu diễn ra trên các phương tiện truyền thông trong nhiều tháng qua, chắc chắn sẽ còn diễn ra quyết liệt và thu hút sự chú ý của thế giới. Cho đến hiện tại thì bầu cử Mỹ đã đi vào tâm điểm của dư luận thế giới nói chung và cử tri Mỹ nói riêng, những người sẽ đắn đo suy xét để bỏ lá phiếu vào ngày 4-11-2016 để chọn ra ông chủ Nhà Trắng - nhân vật hứa hẹn có khả năng khuynh đảo thế giới trong nhiều năm tiếp theo.
Bầu cử Mỹ không chỉ đơn thuần là câu chuyện của nước Mỹ. Nó sẽ thu hút sự quan tâm của thế giới vì nhiều lý do, hay đúng hơn là hy vọng. Thuật ngữ “lãnh đạo thế giới tự do” không còn mới, đúng hơn là đã quá cũ khi nói về nước Mỹ, trong đó vai trò của tổng thống Mỹ là những cá nhân có sức ảnh hưởng lớn với lịch sử loài người (kể từ khi nước Mỹ ra đời). Đúng như CNN bình luận, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay cũng sẽ đi vào lịch sử dù cho kết quả có là gì đi chăng nữa. Các tuyên bố tranh cử “gây sốc” hay “chấn động” sẽ được chuyển tải đến người dân trên toàn thế giới. Đảng Cộng hòa có hai đại diện đang dẫn đầu gồm Donald Trump và Ben Carson, trong khi ở đảng Dân chủ, người ta nói nhiều đến cái tên Hillary Clinton, cựu nữ ngoại trưởng Mỹ.
Rất nhiều người tính toán tỉ lệ phiếu ủng hộ qua các cuộc khảo sát “cá cược” rằng Hillary Clinton sẽ chiến thắng (nếu trở thành đại diện chính thức của đảng Dân chủ), bởi Donald Trump và Ben Carson dường như chưa truyền được cảm hứng mới mẻ và hy vọng vào lòng người dân Mỹ, ngoại trừ những phát ngôn gây sốc và bị dư luận ném đá. Hillary Clinton hiện vẫn chiếm thế thượng phong, hơn Bernie Sanders của đảng Dân chủ. Ngoại trừ các lo lắng về tuổi tác và những bê bối liên quan thư điện tử cá nhân thì đến lúc này Hillary Clinton vẫn được đông đảo người dân Mỹ ủng hộ hơn, bất kể Bernie Sanders tung ra những chiêu bài dân túy. Niềm tin về một “tổng thống nữ đầu tiên của nước Mỹ” vẫn còn thôi thúc Hillary Clinton hành động duy trì ưu thế.
Trong khi đó, truyền thông quốc tế dẫn lời nhiều chuyên gia tin rằng Donald Trump sẽ không thể trở thành đại diện của đảng Cộng hòa bất kể ông ấy luôn tỏ ra lớn tiếng và quyết tâm không từ bỏ “ánh đèn sân khấu”. Thậm chí các dự báo cho thấy ứng cử viên Ted Cruz đang bắt đầu “bắt nhịp” và thuyết phục được phần đông đảng Cộng hòa. Những giờ phút cuối chưa đến nhưng nhiều người tin rằng Ted Cruz sẽ vượt qua Donald Trump để thành đại diện của “những chú voi” (biệt danh của đảng Cộng hòa). Cho đến lúc này với những “lá bài” của lưỡng đảng thì đảng Cộng hòa bị dự báo rằng sẽ thất bại nặng nề.
TQ sẽ tiếp tục có một năm 2016 khiến thế giới phải quan tâm. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trung Quốc: Tạo bất ổn “trị” bất ổn
Theo lịch Trung Quốc (TQ), năm 2016 sẽ là năm “con khỉ”, mang đến niềm hy vọng cho người dân nước này về một năm có những chuyển biến nhanh chóng. Chủ tịch Tập Cận Bình, sau khoảng ba năm nắm quyền lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, đã được người dân TQ và thế giới xem là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất, nổi bật nhất của chính quyền Bắc Kinh trong những thập niên qua. Ông Tập tiến hành chiến lược “đả hổ đập ruồi”, tiêu diệt không ít tham quan, từ những quan chức cao cấp trung ương đến những quan lại địa phương. “Ông Tập đã tái thiết lập vai trò cường quốc trung tâm cho TQ ở các diễn đàn thế giới, theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng táo bạo và nỗ lực nâng cao vai trò TQ tại Liên Hiệp Quốc” - trang The Guardian bình luận.
Thế giới năm 2016 vẫn sẽ nhắc nhiều về chương trình diễu binh hồi tháng 9-2015 tại quảng trường Thiên An Môn với sự “bày biện” rất nhiều phương tiện quân sự hiện đại làm hao tốn không ít giấy mực bình luận của các chuyên gia trên thế giới. Chiến lược “Một vành đai, một con đường” và sáng kiến Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) thu hút đông đảo quốc gia tham dự, trong đó có cả đồng minh của Mỹ, cho thấy thanh thế TQ ngày càng được củng cố. Dù vậy, tất cả điều đó không thể khỏa lấp những thất bại thảm hại của Bắc Kinh: Sự suy sụp thị trường chứng khoán, tiền tệ, tham nhũng, cháy nổ, lở đất, khủng bố, ô nhiễm môi trường kinh hoàng… là những dấu hiệu của một nền kinh tế cầm cự, bất ổn và thiếu bền vững trong dài hạn.
Thế nên năm 2016, thế giới sẽ chứng kiến một TQ “căng thẳng” hơn vì giải quyết những vấn đề nội tại, những thách thức kinh tế vĩ mô, môi trường và sự phản ứng của những ai ngầm chống “đả hổ đập ruồi” của ông Tập. Vấn đề thực sự của TQ không đơn thuần ở sự suy giảm chứng khoán hay phá giá đồng nội tệ, chỉ số chi tiêu thấp,… mà “điềm gở” thật sự của TQ là một nền kinh tế thiếu những trụ cột bền vững. Tất nhiên, với vị thế hiện tại thì không ít quốc gia cũng lo lắng nếu kinh tế TQ gặp chuyện không lành. Một trong những cách giải quyết vấn đề của TQ là “chuyển lửa ra ngoài”, bằng chứng là quyết liệt và mạnh bạo hơn ở biển Đông, biển Hoa Đông. Những vùng biển này chắc chắn sẽ còn ám ảnh TQ với những giàn khoan khổng lồ và những đợt cải tạo đảo trái phép nhanh chưa từng có trong lịch sử loài người. Một TQ bất ổn sẽ cố gắng tạo ra bất ổn khác để có thể cầm cự, tìm cách “bình thiên hạ”.
Nga: Gia tăng thanh thế
Như The Guardian bình luận, động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong năm thứ 16 lãnh đạo Nga sẽ rất khó phán đoán. Năm 2015 chứng kiến lực lượng không quân Nga hoạt động miệt mài ở nước ngoài, điển hình tại Syria. Cuộc chiến Ukraine mà Nga và phương Tây đóng vai trò chi phối quan trọng vẫn còn bị bỏ lửng sau các thỏa thuận ngừng bắn mang tính tức thời. Thanh thế gia tăng nhanh nhưng kinh tế Nga cũng mất sức nhiều bởi lệnh trừng phạt mạnh bạo từ Mỹ và châu Âu.
Thành công lớn nhất của Nga trong năm 2015 phải kể đến khả năng kháng cự với những màn trừng phạt ngặt nghèo từ Mỹ và phương Tây, đa dạng hóa thị trường sang TQ và gây tiếng vang tại chiến trường Syria, tạo ảnh hưởng ngày càng lớn tại Trung Đông. Ngay cả các quan chức Mỹ, dù miễn cưỡng nói ra nhưng cũng phải thừa nhận các đợt tấn công tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria do Nga thực hiện mang lại hiệu quả ngoài tưởng tượng. Những hành động được đánh giá là có thiện chí của Nga trên chiến trường chống IS và các tuyên bố “vẫn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ” trên nhiều lĩnh vực sau vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi phần nào xoa dịu quan hệ Nga và phương Tây.
Đó là lý do những người theo trường phái tự do tin rằng năm 2016 chứng kiến sự thỏa hiệp giữa Nga và phương Tây về vấn đề Crimea, chiến tranh Ukraine, lệnh trừng phạt và Syria. Đưa nền kinh tế và chính trị Nga lẫn các nước phương Tây bước vào giai đoạn giảm nhiệt và thúc đẩy hợp tác các vấn đề chung. Tuy nhiên, những người bi quan lại cho rằng khả năng hợp tác Nga-phương Tây tại Syria là mong manh và sớm vỡ toang vì xung đột lợi ích và động cơ chính trị. Trong khi đó, trừng phạt lẫn nhau về Crimea hay Ukraine sẽ tiếp tục được mở rộng bất chấp cả hai bên đã thấm đòn. Đó sẽ là một năm tồi tệ với Nga và đồng thời cũng gian nan với những quốc gia có “làm ăn” với Nga hoặc bị Nga trừng phạt.
Áp lực kép tại châu Âu Châu Âu cũng hứa hẹn là trung tâm của dư luận quốc tế khi cùng lúc chống chịu sự tấn công như vũ bão của IS và du nhập của làn sóng tị nạn từ Trung Đông. Áp lực kép này không chỉ khiến các giá trị chung của châu Âu (nền kinh tế thịnh vượng, nền chính trị thống nhất) bị ảnh hưởng mà còn đưa châu Âu vào giai đoạn chia rẽ mạnh mẽ ở năm 2016. Việc làm, thu nhập, an ninh, lòng tin,… của người dân EU chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức trước giờ giao thừa năm mới: Đỏ đèn cảnh báo khủng bố; khủng hoảng Grexit có thể lặp lại (Greece + exit, Hy Lạp rút khỏi khối euro); phong trào Brexit (Anh đòi rút khỏi EU) đang chực chờ; kinh tế suy yếu, thất nghiệp tăng cao;… Hàng trăm triệu dân EU lo hơn mừng trước thềm năm mới. |