Đầu năm 2016 đàm phán Syria

Cuộc chiến Syria kéo dài bốn năm rưỡi nay với hơn 250.000 người chết và nhiều triệu người phải rời quê tản cư. Để chấm dứt cuộc chiến, ngày 18-12 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2254 kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình ở Syria.

Nghị quyết 2254 gồm bảy điểm chính:

Bạo lực: Hội đồng Bảo an LHQ cực kỳ quan tâm đến nỗi đau khổ nhân dân Syria phải gánh chịu, tình hình nhân đạo tiếp tục xấu đi, xung đột tiếp diễn với bạo lực hung hãn, chủ nghĩa khủng bố và tư tưởng cực đoan tàn bạo đã gây nhiều hậu quả tai hại, bất ổn do khủng hoảng gây ra đã tác động trong và ngoài khu vực, số lượng phần tử khủng bố gia tăng ở Syria, Syria phải gánh chịu nhiều thiệt hại vật chất và tình hình phe phái gia tăng.

Thời kỳ quá độ: Hội đồng Bảo an LHQ đánh giá cách duy nhất để giải quyết lâu dài khủng hoảng Syria là tiến trình chính trị cởi mở do người Syria thực hiện, đáp ứng các khát vọng hợp pháp của nhân dân Syria và được thực hiện trong viễn ảnh thực hiện toàn diện thông cáo Genève ngày 30-6-2012, được phê chuẩn bằng Nghị quyết 2118 (năm 2013).

Thông cáo Genève lần đầu tiên phác họa thời kỳ quá độ chính trị ở Syria nhưng không bao giờ được thực hiện vì bất đồng giữa Mỹ và Nga, đặc biệt về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Nghị quyết dự kiến thành lập một chính quyền quá độ có đầy đủ quyền lực hành pháp trên cơ sở đồng thuận chung và trong các điều kiện phù hợp để bảo đảm tính liên tục của các thể chế nhà nước.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp. Ảnh: AFP

Ngừng bắn: Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria. Nhóm quốc tế ủng hộ Syria (17 nước và ba tổ chức đa phương) đã nhất trí ủng hộ ngừng bắn và cam kết thúc đẩy thực hiện ngừng bắn.

Công việc kế tiếp là các đại diện của chính phủ Syria và của phe đối lập Syria sẽ tiến hành các biện pháp đầu tiên trên con đường quá độ chính trị dưới sự bảo trợ của LHQ.

Ngừng bắn không được áp dụng đối với các hoạt động tấn công hay phòng thủ đối với Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) hay Mặt trận Al Nusra (Al Qaeda ở Syria).

Hội đồng Bảo an LHQ đề nghị các nước thành viên LHQ tiếp tục tiêu diệt các cơ sở do chúng thiết lập trên phần lớn lãnh thổ Syria.

Các tác nhân: Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ các sáng kiến ngoại giao của Nhóm quốc tế ủng hộ Syria. Đây là nhóm được xem là cơ chế chủ yếu để thúc đẩy các sáng kiến của LHQ nhằm đạt giải pháp chính trị bền vững ở Syria.

Về phe đối lập Syria, Hội đồng Bảo an LHQ ghi nhận lợi ích của hội nghị của phe đối lập Syria ở Riyadh từ ngày 9 đến 11-12 vì đã tập hợp các nhóm đối lập khác nhau để thỏa thuận về đại diện tham dự đàm phán hòa bình.

Đàm phán: Hội đồng Bảo an LHQ đề nghị tổng thư ký LHQ và đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura tập hợp các đại diện của chính phủ Syria và của phe đối lập Syria để các bên cam kết đàm phán khẩn cấp về tiến trình quá độ chính trị, dự kiến đầu tháng 1-2016 sẽ bắt đầu đàm phán.

Bầu cử: Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ tiến trình trong vòng sáu tháng nữa sẽ thiết lập một bộ máy quản lý nhà nước đáng tin cậy, gồm nhiều đại diện và không phe phái cùng với thể thức của hiến pháp mới, trong vòng 18 tháng sẽ tổ chức bầu cử tự do và chính quy. Tất cả công dân Syria, kể cả ở hải ngoại đều có thể tham gia bầu cử.

Khủng bố: Hội đồng Bảo an LHQ khen ngợi hành động của Jordan góp phần xác định quan điểm chung trong nhóm quốc tế ủng hộ Syria về các cá nhân và các nhóm khủng bố.

Cho dù Nghị quyết 2254 không nói đến tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các nước phương Tây vẫn tiếp tục giữ quan điểm Tổng thống Assad phải ra đi (không nêu cụ thể thời điểm ra đi) trong khi Nga và Iran lại có quan điểm trái ngược.

Hãng thông tấn Irna sáng 19-12 đưa tin từ New York, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahia tuyên bố Iran sẽ tiếp tục ủng hộ Syria. Ông cho biết Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ thông qua danh sách các nhóm khủng bố.

Cuối cùng, một tổ công tác được thành lập gồm Iran, Nga, Oman, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Pháp sẽ chuẩn bị một danh sách khác để trình Hội đồng Bảo an. Danh sách các nhóm khủng bố ban đầu do Jordan trình có Vệ binh cách mạng của Iran.

- Ngày 19-12, trong khuôn khổ công du Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đi trực thăng đến thăm tàu sân bay Charles-de-Gaulle của Pháp đang hoạt động trong vùng Vịnh trong chiến dịch tấn công Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tàu sân bay Pháp. Chuyến thăm mang tính chất tiêu biểu vào lúc biên đội tàu Charles-de-Gaulle chỉ huy lực lượng hải quân của liên minh do Mỹ đứng đầu. Ngày 20 và 21-12, dự kiến bộ trưởng Quốc phòng Pháp sẽ đến Moscow thảo luận với Nga về tăng cường đánh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

- Báo New York Times (Mỹ) đưa tin từ ngày 16-12, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã mở chiến dịch phản công lớn ở miền Bắc Iraq. Hơn 300 tên tham gia nhiều mũi phối hợp. Chúng tổ chức thành từng toán nhỏ có xe bọc thép và pháo binh yểm trợ cùng xe gài bom. Lực lượng người Kurd là đơn vị chủ công có máy bay năm nước yểm trợ đã đẩy lùi bọn chúng. Các máy bay phóng gần 100 quả bom dẫn đường chính xác. Gần 200 tên bị tiêu diệt. Đây là cuộc tấn công lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kể từ ngày 6-7. Ý đồ của chúng là ngăn chặn quân đội Iraq tái chiếm TP Mosul bị chúng chiếm từ tháng 6-2014.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm