Trong hai ngày 11 và 12-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thế giới sửng sốt khi thông báo cụm tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường di chuyển đến vùng biển bán đảo Triều Tiên trong khi thực ra vẫn đang “Nam tiến” hướng tới Ấn Độ Dương. Đến nay, sau gần 10 ngày với nhiều lùm xùm về vị trí thật sự của đội tàu tấn công USS Carl Vinson, siêu tàu sân bay chạy hạt nhân này mới “Bắc tiến” như tuyên bố đưa ra.
Tướng thời Trump lộng quyền?
Chính quyền Trump đang cố gắng làm rõ vị trí của đội tàu Carl Vinson sau khi gửi đi những thông tin không rõ ràng về hành trình của cụm tàu sân bay chiến đấu này vào tuần trước. Điều này cho thấy các tướng lĩnh dưới trướng ông dường như đang có nhiều quyền lực hơn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Tờ The New York Times cho biết khi tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, ra lệnh cho tàu sân bay Carl Vinson “tiến về phía Bắc” để tập luyện thì ông hoàn toàn không nghĩ đến những thông điệp mà mệnh lệnh này có thể tạo ra: Hải quân Mỹ đã sẵn sàng tấn công phủ đầu Triều Tiên. Bốn ngày sau đó, tướng John W. Nicholson Jr. đã ra lệnh sử dụng “Mẹ của mọi loại bom” GBU-43/B MOAB ném xuống vùng biên giới Pakistan và Afghanistan để tiêu diệt các phần tử thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngay sau đó, hành động này phủ sóng tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo. Quả bom lại tiếp tục vô tình “gửi tín hiệu cảnh báo đến chính phủ Syria và Triều Tiên rằng họ có thể trở thành mục tiêu kế tiếp của “mẹ mọi loại bom” mà Mỹ đã ném xuống Afghanistan”.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ở eo biển Sunda, Indonesia hồi tuần trước. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Hôm 20-4, các quan chức Mỹ cũng tuyên bố tướng Nicholson thậm chí đã không xin phép Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hoặc chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, tướng Joseph Danford, trước khi quyết định ném siêu bom xuống Afghanistan. Tờ The New York Times cho rằng nếu người ngồi trong Phòng Bầu dục là ông Obama, tướng Nicholson sẽ không bao giờ dám qua mặt sếp mình.
Nhà Trắng dường như cũng không nắm rõ vị trí của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson vào thời điểm thư ký báo chí Sean Spicer hay cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster bình luận công khai về sự việc. Giới phân tích đánh giá sự thiếu nhất quán về thông tin đưa ra giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng một phần bắt nguồn từ thực tế là bộ máy chính quyền của ông Trump vẫn chưa ổn định sau ba tháng nhậm chức.
Hệ quả khôn lường
“Có rất nhiều quyết định được các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ thông qua hằng ngày mà không cần tham vấn. Nhưng họ cần phải hiểu và chú ý rằng các hành động của họ có thể sẽ tạo ra các ảnh hưởng chiến lược đến các lĩnh vực đời sống mà không thuộc phạm vi chịu trách nhiệm của họ” - Robert M. Scher, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, nói.
Thay vì đạt được các mục tiêu chiến lược, thời điểm hai ông Harris và Nicholson hành động lại khiến các quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc bất ngờ, làm đồng minh hoang mang, khiến Nhà Trắng lúng túng. Nó phần nào cho thấy một thực tế là ngay cả những tướng lĩnh dày dạn kinh nghiệm trận mạc, đeo bốn sao trên vai cũng có thể sẽ không lường được các hậu quả chính trị và chiến lược sâu rộng do các quyết định mang tính tức thời của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ đã quyết định “cởi trói” các tướng lĩnh khỏi chính sách kiểm soát chi li của người tiền nhiệm nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Thế nhưng điều này đang khiến một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, lo sợ nguy cơ xảy ra những sai lầm chính trị trong tương lai, thậm chí với tần suất thường xuyên hơn và tác động lớn hơn.
Nhà Trắng thời ông Obama đã từng nói rất rõ ràng với Lầu Năm Góc rằng tướng lĩnh phải thảo luận với tổng thống trước khi có các quyết định liên quan đến tấn công quân sự. Trái ngược với người tiền nhiệm Obama, New York Times cho biết Tổng thống Donald Trump đã cho thấy ông không muốn tham vấn trong từng cuộc tấn công quân sự. Ông muốn các chỉ huy từng lực lượng có nhiều quyền hạn hơn để phản ứng nhanh hơn trước “kẻ thù”.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 22-4 trong khi thăm Úc cho biết đội tàu tấn công USS Carl Vinson sẽ tới biển Nhật Bản trong vài ngày tới, trước cuối tháng này, giữa lúc căng thẳng đang dâng cao trên bán đảo Triều Tiên. Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, cụm tàu sẽ tới khu vực gần bán đảo Triều Tiên vào tuần sau sau khi hoàn thành cuộc diễn tập chung với hải quân Úc ở Ấn Độ Dương, cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km về phía Tây Nam. Như vậy, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson sẽ đến bán đảo Triều Tiên đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng tổ chức mừng ngày thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên, 25-4. Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng có thể sử dụng sự kiện này như là một cái cớ để tiến hành một vụ bắn tên lửa mới hay thực hiện một vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. _____________________________ “Một khi những người được bổ nhiệm từ chính quyền trước đây rời đi, cán cân sức mạnh tại Lầu Năm Góc sẽ nghiêng về phía các tướng lĩnh quân sự hơn là các quan chức dân sự” - Andrew Exum, quan chức hàng đầu về chính sách Trung Đông tại Lầu Năm Góc, nhận định. |