PGS.TS Phan Thanh Bình: Phải tính kế sách trăm năm cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(PLO)- PGS.TS Phan Thanh Bình cho rằng, bảo vệ ĐBSCL là cấp bách, cấp thiết nhưng phải gắn với căn cơ và lâu dài, phải tính kế sách trăm năm chứ không phải vài năm hay vài chục năm.

Ngày 15-5, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với UBND TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức Hội thảo: Giải pháp cấp thiết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhà báo Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Hội thảo nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng và tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong – Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, tuy là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.

Hậu quả và hệ luỵ kéo theo của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn.

Với TP.HCM, ĐBSCL là nơi cung ứng lương thực thực phẩm lớn nhất, do đó bất cứ điều gì xảy ra với vùng đất này đều ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nếu chỉ có bảo vệ mà không có giải pháp để thích ứng, thay đổi để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thì sẽ có những tác động rất mạnh mẽ, không chỉ phạm vi vùng ĐBSCL mà tác động cả nước.

Theo Bí thư Hiếu, vùng ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ và TP.HCM, có nhiều chương trình ký kết với nhau.

Thời gian qua, các địa phương có sự phối hợp thiết thực, tạo mối quan hệ tương hỗ phát triển, bền vững lẫn nhau. Vùng ĐBSCL cung cấp nguyên vật liệu còn TP.HCM là nơi chế biến, xuất nhập khẩu rất lớn. Những sự ảnh hưởng đến ĐBSCL sẽ tác động trực tiếp tới TP.HCM.

Thực tế hiện nay đang đặt ra những yêu cầu, ngay tại thời điểm này, cần có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu với những thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống.

“TP Cần Thơ là đô thị trung tâm của vùng, thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở trước những thiệt hại, hậu quả nặng nề do những tác động của con người cùng với sự biến đổi khí hậu gây ra với từng địa phương và cả vùng” – Bí thư Cần Thơ nói và mong nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo.

Các đại biểu trao đổi bên hành lang hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Hội thảo đã nghe các tham luận về các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đến canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và cấp nước sinh hoạt tại khu vực ven biển ĐBSCL; Định hướng các giải pháp thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp và dân sinh vùng ĐBSCL...

PGS.TS Phan Thanh Bình – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, vấn đề của ĐBSCL là rất lớn và nhà nước rất quan tâm.

Theo PGS Bình, ông trực tiếp tham gia vào đợt hạn năm 2016 và cảm giác rằng hình như các giải pháp chúng ta đề xuất từ năm 2016 đến giờ cũng vẫn là những vấn đề đó, về nước, về xâm nhập mặn...

PGS.TS Phan Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

“Dưới góc độ của tôi, tôi nhìn nhận, có lẽ cần nhấn mạnh nguyên nhân vì sao gây ra hiện tượng này. Nhìn nhận một cách ngắn gọn, phải chăng có ba tác động làm cho tình trạng của ĐBSCL khó khăn, một là biến đổi khí hậu, hai là do con người tại chỗ và ba là do tác động của thượng nguồn” – PGS.TS Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Và PGS Bình cho rằng, hiện trạng biến động của môi trường bị tăng lên bởi biến đổi khí hậu, bởi tác động của thượng nguồn.

“Hiện nay vấn đề lún sụt và ngập mặn có phải chăng có nguyên nhân sâu xa từ việc chúng ta khát trầm tích, khát cát, khai thác cát, phá hủy địa mạo và khai thác nước ngầm” – PGS Bình nêu.

Từ đó, ông cho rằng cộng đồng nơi đây phải xem lại, phải thay đổi cách sống, cách sản xuất, sinh kế của chúng ta; nhà nước, người dân cũng phải tính chuyện này một cách rất sâu sắc thì mới giải quyết được bài toán này.

Cạnh đó, ông Bình cũng bày tỏ ý kiến rằng vấn đề bảo vệ ĐBSCL là cấp bách, cấp thiết nhưng phải gắn với căn cơ và lâu dài, phải tính kế sách trăm năm chứ không phải vài năm hay vài chục năm.

Cũng theo PGS Bình, chính sách, giải pháp cho ĐBSCL phải gắn với nguyên nhân và có lẽ chúng ta phải nhìn lại, chính nhà nước, người dân phải nhìn lại chúng ta đang đối xử với vùng đất này như thế nào, đang sống trên đất này như thế nào và cần phải làm cái gì để phù hợp với vùng đất này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới