Hãng Reuters ngày 12-12 đưa tin phái đoàn ngoại giao-an ninh cấp cao của Mỹ và quan chức Trung Quốc (TQ) đã có cuộc trao đổi trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang có tín hiệu ấm trở lại sau hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây.
Theo Bộ Ngoại giao TQ, cuộc trao đổi diễn ra trong hai ngày 11 và 12-12 tại tỉnh Hà Bắc với sự tham gia của các quan chức cấp cao Mỹ và TQ. Đại diện phía Mỹ là ông Daniel Kritenbrink - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng bà Laura Rosenberger - giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách vấn đề TQ và Đài Loan. Về phía TQ có Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong.
Các quan chức cấp cao Mỹ đã có cuộc hội đàm với quan chức Trung Quốc trong hai ngày 11 và 12-12. Ảnh: Mark Schiefelbein/AP |
Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Uông Văn Bân cho biết hai bên đã thảo luận sâu về việc triển khai đồng thuận đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình vào tháng trước tại hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia.
Ngoài ra, phái đoàn Mỹ và quan chức TQ cho rằng cần thúc đẩy tham vấn hai bên về các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Mỹ-Trung, xử lý thỏa đáng các vấn đề quan trọng và nhạy cảm trong quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Đài Loan.
Theo ông Uông, Thứ trưởng Tạ, ông Kritenbrink và bà Rosenberger đã trao đổi quan điểm sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực, cũng như bàn về việc tăng cường trao đổi ở mọi cấp độ và duy trì liên lạc giữa hai bên.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả cuộc hội đàm "thẳng thắn và thực chất", trong đó ông Kritenbrink và bà Rosenberger nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc thiết lập nền tảng cho mối quan hệ song phương nhằm đảm bảo Washington và Bắc Kinh duy trì các kênh liên lạc mở cũng như quản lý mối quan hệ cạnh tranh một cách có trách nhiệm".
Trước đó, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của chuyến thăm TQ là "để tiếp tục quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa hai nước và khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”.
Tờ South China Morning Post cho biết chuyến công du của phái đoàn cấp cao của Mỹ đến TQ trong nỗ lực nhằm ngăn chặn không để mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn, cũng như mở đường cho chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới TQ vào đầu năm 2023.
Nhận định từ chuyên gia
Các chuyên gia cho rằng mục đích của chuyến thăm cấp cao tới TQ lần này là nhằm ngăn chặn căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington không thể xấu hơn nữa.
Ông Thời Ân Hoằng - chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân TQ cho biết cả Mỹ và TQ đều thực tế về những mong đợi từ chuyến đi như vậy. Theo ông, cuộc gặp giữa hai nguyên thủ tại Indonesia vừa rồi đã đạt được sự nhất trí duy nhất đó là ngăn chặn mối quan hệ vốn căng thẳng có thể lún sâu hơn vào "bất cứ hình thức nào gần như một xung đột”, do đó các nhà ngoại giao từ cả hai phía cần tiếp tục sự đồng thuận đó.
“Đó là chủ đề và trọng tâm vào lúc này. Cả hai nước đều có ý định ngăn mối quan hệ xấu đi hơn nữa nhưng không bên nào sẵn sàng nhượng bộ trong các vấn đề lớn. Trên thực tế, họ vẫn tiếp tục đi theo hướng đi riêng về các vấn đề lợi ích cốt lõi” - ông Thời nhận định.
Mặc dù không đạt được kết quả rõ ràng, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden được ca ngợi là một sự thành công khi cả hai nhà lãnh đạo đồng ý “trao quyền cho các quan chức cấp cao chủ chốt để duy trì liên lạc” về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu.
Dù vậy, chuyên gia Thời cho rằng Mỹ và TQ vẫn chưa thể đàm phán về các vấn đề liên quan tới thương mại và quân sự.
“Mặc dù hai bên có thể tiến hành các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu nhưng họ không thể làm như vậy đối với vấn đề thương mại và thuế quan. Từ góc độ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng giảm leo thang trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc” - ông Thời cho hay.
Ông cũng cho biết thậm chí cả hai bên đồng ý nối lại các cuộc đàm phán cơ bản như đã nhất trí thì điều đó cũng khó có thể tạo ra các kết quả cụ thể về thương mại, quân sự và các vấn đề căng thẳng khác vì không có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Washington có ý định thay đổi chính sách cạnh tranh hiện tại.
“Nếu [tình trạng] mối quan hệ hiện tại có lợi cho TQ thì chắc chắn họ sẽ hy vọng ổn định nó. Nhưng nếu điều đó khá bất lợi cho TQ về các vấn đề lớn thì có thể sẽ dẫn tới sự đảo ngược xu hướng [của mối quan hệ]” - ông Thời nói.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Robert Sutter - chuyên gia TQ tại Đại học George Washington (Mỹ) bày tỏ nghi ngờ về triển vọng của quan hệ song phương Mỹ-TQ ngay cả khi Bắc Kinh thể hiện mức độ linh hoạt trong việc tiếp tục giữ các kênh liên lạc mở và dần dần thay đổi chính sách kiểm soát đại dịch COVID-19 trong nước.
“Chúng ta không biết liệu TQ sẽ thỏa hiệp về bất cứ vấn đề căn bản nào không. Tác động của sự thay đổi từ TQ có thể chỉ là để quản lý căng thẳng nhằm đảm bảo chiến tranh không nổ ra. Ông Biden có thể nhượng bộ về một số vấn đề, song nếu làm thế mà không nhận được sự nhân nhượng tương đương từ phía TQ có thể sẽ gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ Quốc hội Mỹ” - ông Sutter nhận định.
Theo ông, căng thẳng giữa TQ và Mỹ sẽ vẫn tồn tại và có thể gia tăng, mặc dù chúng có thể sẽ được quản lý tốt hơn so với trước đây.