Cuộc đua bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) đã từng trong trạng thái cực kỳ căng thẳng với hàng loạt động thái mạnh tay từ phía Mỹ. Tuy nhiên, mới đây phía Mỹ có một số bước đi khá bất ngờ và nhẹ tay với TQ, thu hút sự chú ý của giới quan sát.
Cân nhắc “tháo tròng” cho hàng loạt công ty TQ
Ngày 8-12, hãng tin Bloomberg dẫn thông báo của Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ cho biết 128 doanh nghiệp TQ chuẩn bị được đưa ra khỏi danh sách chưa được xác nhận (Unverified List - UVL), trong đó có 31 công ty liên quan công nghiệp bán dẫn. Danh sách này được đặt ra và áp dụng đối với cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ nước ngoài mà Mỹ không thể xác định tính chính danh và nguồn gốc rõ ràng. 128 doanh nghiệp được cân nhắc sẽ có 60 ngày để chứng minh là không cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho quân đội TQ.
Trong một bài viết mới đây trên Diễn đàn Đông Á của hai tác giả thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Việt Nam (CIEM), Việt Nam đang là nước thứ tư trên thế giới (cùng Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ) sản xuất bán dẫn cho Samsung Electronics - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới. Lựa chọn Việt Nam thay vì các quốc gia phát triển khác cho thấy Việt Nam ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Theo Bloomberg, trong số những công ty được cân nhắc có Yangtze Memory Technologies Co (YMTC). Đây là nhà sản xuất bộ nhớ flash NAND hàng đầu TQ, thành lập năm 2016 và là công ty con của công ty quốc doanh TQ chuyên sản xuất chip bán dẫn Tsinghua Unigroup. Hãng Apple (Mỹ) từng dự định dùng chip của YMTC trong điện thoại iPhone bán ở thị trường TQ nhưng kế hoạch bị hủy do công ty này bị đưa vào UVL hồi tháng 10.
Một động thái bất ngờ khác của Mỹ và có lợi cho TQ đến từ những nội dung sửa đổi mới trong dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2023 (NDAA). Ban đầu, nội dung dự thảo công bố hồi tháng 9 yêu cầu các cơ quan Liên bang Mỹ và nhà thầu chính phủ không sử dụng linh kiện bán dẫn được sản xuất tại Công ty SMIC, cũng như chip do các công ty chip nhớ hàng đầu như YMTC của TQ sản xuất, theo hãng tin Reuters.
Bản dự thảo sửa đổi công bố tuần trước không còn cấm các nhà thầu sử dụng chip của các doanh nghiệp được nêu tên trên. Phạm vi áp dụng cũng được thu hẹp, lệnh cấm chỉ áp dụng với các mặt hàng dành cho những “hệ thống quan trọng” của chính phủ như mạng viễn thông hoặc mạng thông tin liên quan đến các hoạt động tình báo hoặc chỉ huy, điều hành các lực lượng quân sự hoặc vũ khí trang bị. Nội dung hạn chế được đẩy lùi thời hạn tuân thủ lên năm năm thay vì có hiệu lực ngay lập tức hoặc hai năm như quy định trong bản dự thảo đầu tiên.
Mỹ muốn hạ nhiệt với Trung Quốc?
Các động thái trên gây chú ý giữa lúc Mỹ và TQ đang mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh về công nghệ và công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực so kè căng thẳng nhất.
Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỉ USD, một nỗ lực mạnh nhằm thúc đẩy các ngành công nghệ cao ở nước này. Mỹ dự tính sẽ chi 200 tỉ USD trong 10 năm nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn, trước mắt chi 52 tỉ USD trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất chip bán dẫn trong nước nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip kéo dài và giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác như TQ.
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao TQ chỉ trích đạo luật mới của Mỹ là mối đe dọa đối với thương mại khi sẽ “làm gián đoạn thương mại quốc tế và tác động xấu đến chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu”, đồng thời là một cuộc tấn công vào doanh nghiệp TQ. Hội đồng Xúc tiến thương mại quốc tế TQ và Phòng Thương mại quốc tế TQ cũng cho rằng đạo luật mới sẽ nâng cao lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, từ đó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các quốc gia, tờ China Daily đưa tin.
Một dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của Công ty công nghệ liên doanh Mỹ - Nhật Kioxia ở Trung Quốc hồi tháng 9. Ảnh: AFP |
Đến tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế khả năng các nhà sản xuất chip TQ tiếp cận với những công cụ hoặc công nghệ sản xuất chip của Mỹ để chế tạo những chip tiên tiến nhất, đặt mục đích ngăn chặn những nỗ lực của TQ phát triển ngành công nghiệp chip ngang tầm hoặc vượt TSMC, đồng thời gia tăng áp lực với Bắc Kinh trong các vấn đề thế giới, theo Bloomberg.
Bộ Thương mại TQ phản ứng bằng tuyên bố khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối quy định mới của Mỹ về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn sang TQ, cho rằng quy định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến thương mại bình thường giữa các doanh nghiệp hai nước và đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.
Theo ý kiến phân tích từ Công ty tư vấn ngành bán dẫn ICWise (TQ), việc có nhiều công ty được đưa ra khỏi UVL mang lại lợi thế to lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn TQ vì điều này đồng nghĩa họ sẽ không có nguy cơ bị đưa vào danh sách thực thể (Entity List) - vốn là một danh sách nghiêm trọng hơn với những cái tên bị cáo buộc đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia Mỹ.
Dù vậy, có ý kiến rằng biện pháp của Bộ Thương mại Mỹ chỉ là chiến thuật giảm căng thẳng nhất thời. Theo chuyên gia Abhinav Davuluri thuộc Công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ), những lệnh trừng phạt đang có hiệu lực của Mỹ vẫn đang khiến cho ngành công nghiệp bán dẫn của TQ gặp nhiều khó khăn, vì những công ty ở đây không thể tiếp cận được các công cụ tiên tiến để sản xuất một số loại chip.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Alan Estevez không nói rõ lý do tại sao các công ty TQ trên được cân nhắc đưa khỏi UVL, chỉ lưu ý rằng các cơ quan Mỹ đánh giá những công ty này đang “hành xử ngày một tích cực hơn”, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Mỹ. Bộ Thương mại TQ và YMTC cũng không bình luận.
Trong khi đó, theo nguồn tin của tờ South China Morning Post thì từ ngay sau khi những công ty trên bị đưa vào UVL, Bắc Kinh đã lập tức họp khẩn để đánh giá thiệt hại, trong đó có thiệt hại về ngành công nghiệp bán dẫn. Những công ty này sau đó cử đại diện làm việc với các quan chức Mỹ thông qua Bộ Thương mại TQ.
Về dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2023 (NDAA), trên thực tế, các đề xuất trong NDAA liên quan tới việc không sử dụng linh kiện bán dẫn TQ đã bị Phòng Thương mại Mỹ và các nhóm thương mại khác chỉ trích mạnh trong một bức thư gửi đến Thượng viện Mỹ hồi tháng 11. Ý kiến phản đối cho rằng sẽ rất tốn kém và khó khăn để việc xác định liệu những chip do SMIC có sản xuất có trong hàng loạt thiết bị điện tử hay không.