Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine đã giảm đi trước áp lực ngày càng gia tăng của cộng đồng quốc tế, hãng Reuters đưa tin ngày 8-12.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Fabian Bimmer/REUTERS |
Nhận định trên được ông Scholz đưa ra trong buổi phỏng vấn với tờ Funke (Đức) nhằm đánh dấu tròn một năm ông nhậm chức Thủ tướng Đức.
Mặc dù cho biết chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp diễn "với sự khốc liệt không hề giảm bớt” nhưng Thủ tướng Scholz khẳng định vào thời điểm bây giờ, có một điều đã thay đổi đó chính là “Nga đã ngừng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân như một phản ứng trước việc cộng đồng quốc tế đã vạch ra lằn ranh đỏ” về vấn đề này.
Nhà lãnh đạo Đức cũng cho hay chuyến thăm Trung Quốc của ông hồi đầu tháng 11 đã đóng góp một phần cho sự thay đổi trên.
“Trong chuyến công du tới Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi cùng nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân không nên được phép sử dụng. Ngay sau đó không lâu, các quốc gia thuộc Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) cũng đã tái khẳng định quan điểm này” - ông Scholz nói trong buổi phỏng vấn.
Trái với nhận định của Thủ tướng Đức, tại cuộc họp với Hội đồng Xã hội Dân sự và Nhân quyền Nga ngày 8-12, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân đang gia tăng nhưng khẳng định Moscow xem loại vũ khí hủy diệt này là công cụ trả đũa chứ không phải để tấn công trước.
Ngoài ra, bất chấp sự bất đồng sâu sắc giữa hai bên, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại với Moscow, đặc biệt là về vấn đề kiểm soát vũ khí ở châu Âu. Tuy nhiên, ông Scholz nêu điều kiện là Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Trước hết, Nga phải ngừng cuộc chiến và rút quân. Đúng là sau đó sẽ nảy sinh câu hỏi làm thế nào để có thể đảm bảo an ninh của châu Âu. Đương nhiên, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí ở châu Âu. Chúng tôi đã đưa ra đề nghị này trước cuộc xung đột. Quan điểm đó đến nay vẫn không thay đổi” - ông Scholz cho hay.
Ông Scholz cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Berlin đối với Kiev nhưng đồng thời bày tỏ lo lắng về một cuộc xung đột trực tiếp có thể xảy ra giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).