Phải truy trách nhiệm tới cùng trong vụ Formosa

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngày 29-7, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Formosa đều đề nghị xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, kể cả những người không còn đương chức.

Kéo lùi sự phát triển

Là ĐBQH của một trong bốn tỉnh chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường Formosa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nói ông rất đồng cảm với những bất bình, bức xúc của cử tri cả nước.

Ông Đồng dẫn báo cáo Chính phủ về con số thiệt hại (theo tính toán sơ bộ) với hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng; thiệt hại về hải sản lên nhiều ngàn tấn. “Tổng thiệt hại cả trực tiếp và gián tiếp, vô hình và hữu hình, đặc biệt là hệ sinh thái… thì vô cùng lớn, việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều chục năm” - ông Đồng nhấn mạnh.

Theo ông Đồng, người dân đang hằng ngày, hằng giờ sống cùng những lo âu, khắc khoải. Các hộ thu mua và kinh doanh hàng thủy, hải sản cũng như các dịch vụ hậu cần nghề cá không hoạt động được. “Còn gì buồn hơn, lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển, phải đi tìm việc làm khác để mưu sinh, kiếm sống” - ông Đồng nói.

Cũng theo ông Đồng, hoạt động của các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển cũng hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả lĩnh vực để hỗ trợ một cách thỏa đáng và công bằng” - phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị nói.

ĐBQH Trần Công Thuật (Quảng Bình) cho biết ảnh hưởng của sự cố môi trường từ Formosa với tỉnh này là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh. Ảnh: QH

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật cũng cho biết ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đối với tỉnh Quảng Bình là rất nặng nề và hết sức nghiêm trọng, “kéo lùi sự phát triển của tỉnh, an ninh, trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân”.

“Bà con Quảng Bình rất bức xúc và lên án hành động gây ra sự hủy hoại môi trường biển vừa rồi của Công ty Formosa” - ông Thuật cho biết.

Có cần Formosa tới 70 năm?

Ông Thuật nói tiếp: “Liên tiếp thời gian gần đây phát hiện nhiều sai phạm của Formosa như chôn lấp chất thải bừa bãi, đặt một số ống xả trái phép… đã đẩy sự cố này lên mức độ nguy hại hơn. Cần sớm xử lý một cách kiên quyết đối với những hành vi này”. Cũng theo ông Thuật, nhân dân và cử tri tỉnh Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ và trả lời khi nào đánh cá vùng gần bờ được, khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn. “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép nhưng có cần Formosa đến gần 70 năm không - một “quả bom” môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng?” - ông Thuật đặt câu hỏi.

“Bà con cử tri đề nghị và rất quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua…” - ông Thuật nói thêm.

Đồng tình, ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị QH cần tìm ra câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa.“Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức” - ông Đồng nhấn mạnh. Cạnh đó, ĐB này cũng đề xuất phải nhanh chóng rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân.

Ông Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động của Công ty Formosa để đảm bảo việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.

Đang tiến hành xử phạt Formosa

Thông tin trước QH, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (ảnh) cho hay đến ngày 28-7, phía Formosa đã chuyển cho Việt Nam số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Đến nay, các công việc liên quan đến vấn đề bồi thường hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo trước QH.

Về phía Bộ TN&MT, Bộ đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính của Formosa với 53 sai phạm. Cùng theo đó là một kế hoạch toàn diện về vấn đề khắc phục của Formosa, từ vấn đề kỹ thuật công nghệ cho đến xử lý chất thải, nước thải và khí thải. Đồng thời triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như là hồ sinh học để chứa đựng nước trước khi thải ra biển độ khoảng bảy ngày và có hệ thống quan trắc trực tiếp để giám sát tất cả chỉ tiêu liên quan có thể gây ô nhiễm môi trường biển.

Theo Bộ trưởng Hà, ngay từ khi có sự cố, Bộ TN&MT và các bộ, ngành được chỉ đạo cùng với việc điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân thì đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và các hệ sinh thái môi trường biển. “Bước đầu đã có những thông tin đưa ra, chúng tôi dự kiến khoảng ngày 15-8 sẽ thông qua hội đồng các nhà khoa học để đánh giá về mức độ và giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm; đồng thời xác định các giải pháp phục hồi các hệ sinh thái, môi trường” - ông Hà cho hay.

Ông Hà cũng cho hay bộ này đã xây dựng dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng. Việc này giúp chủ động cung cấp thông tin cho người dân và đồng thời giám sát môi trường minh bạch đối với tất cả doanh nghiệp trên địa bàn.

___________________________________

Sẽ có đề án phục hồi nguồn hải sản và hệ sinh thái biển

Hiện nay đang có hai đề án, một là đề án hỗ trợ thiệt hại, Bộ đã ký ngày 25-7 để gửi các tỉnh thống kê thiệt hại với các đối tượng người khai thác thủy sản và nuôi trồng, làm muối, lĩnh vực ngành nghề khác bị thiệt hại, kèm theo đó là mẫu biểu điều tra và quy trình hướng dẫn. Mẫu này phải gửi về Bộ trước ngày 15-8 để chúng tôi kịp trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ cũng đang chuẩn bị đề án phục hồi và tái tạo nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái biển tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới