Phân biệt quai bị với hạch cổ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết thời gian qua, thỉnh thoảng BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều bệnh nhi viêm hạch nhưng được bệnh viện tuyến trước chẩn đoán là quai bị và điều trị không đúng cách. Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng nghĩ con mình bị quai bị nên dùng các phương pháp điều trị dân gian như vẽ bùa, đắp lá, bôi vôi… khiến bệnh nhi bị nhiễm trùng và việc điều trị càng khó khăn hơn.

Bệnh quai bị xảy ra khi tuyến mang tai bị viêm do virus. Bệnh này dễ nhận biết vì vùng sưng không đỏ, không nóng, thường bắt đầu bằng một bên sau đó là hai bên. Còn viêm hạch là viêm các hạch vùng mang tai, vùng cổ do vi trùng, do lao hay do virus (bình thường sẽ không sờ thấy hạch). Viêm hạch cũng gây sưng vùng tuyến mang tai nhưng khối sưng có thể di động và thường là nhiều hạch. Để phân biệt chính xác, bác sĩ sẽ khám và siêu âm vùng mang tai.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo khi thấy trẻ bị sưng vùng mang tai, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám xem có đúng quai bị hay không, tránh đắp lá, đắp vôi hay dán cao lên vùng sưng vì như thế sẽ làm bệnh nặng thêm. Trẻ mắc bệnh quai bị thì chỉ cần nghỉ ngơi, uống hạ sốt giảm đau, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Nếu sau bảy ngày mà bệnh không bớt, chỗ sưng bị nóng đỏ, trẻ sốt cao thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời vì có khả năng trẻ bị biến chứng hoặc bị viêm hạch, viêm tuyến mang tai mủ do vi trùng.

D.TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới