Thực hiện tinh thần “phân cấp tối đa cho TP.HCM” theo chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM thay thế Nghị định 93/2001, với nhiều điểm mới, có tác động lớn về thể chế cũng như góp phần đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện pháp luật chính quyền đô thị TP.HCM.
Sự tiếp sức của Trung ương dành cho TP.HCM
Khác với các nghị định khác của Chính phủ dành cho TP.HCM về phân quyền, phân cấp, thường nhằm quy định chi tiết, cụ thể hóa các quy định chung của Quốc hội về cơ chế đặc thù hay tổ chức chính quyền đô thị thì Nghị định 84 này có tầm vóc, quy mô và sâu sát hơn.
Đặc biệt, nghị định được phát triển trên cơ sở các luật chuyên ngành nên có phần độc lập nhưng không tách rời với chính sách chung về cơ chế đặc thù và chính quyền đô thị TP.HCM. Chính sự độc lập tương đối này đã tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ đến việc mở rộng hơn trong thí điểm các chính sách chuyển giao thẩm quyền mới từ Trung ương cho TP.HCM.
Có thể nói tiếp nối Nghị quyết 98/2023, Nghị định 84 là sự cụ thể hóa việc đồng lòng, chung sức và cam kết của Trung ương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP. Điều này đã tạo ra sự hài hòa, tương đồng, nhất quán trong thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền đô thị TP.HCM.
Với TP.HCM, một nghị định của Chính phủ về phân cấp riêng cho TP.HCM trên nhiều lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn của TP mà còn có ý nghĩa thúc đẩy, tiếp sức cho TP trong nghiên cứu, tiếp tục đề xuất Trung ương hoàn thiện nhanh, mạnh tổng thể thể chế pháp lý về phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Nghị định có nhiều nội dung phân cấp hoàn toàn xác đáng. Bởi thực tiễn cho thấy có rất nhiều nhóm nhiệm vụ, quyền hạn thuộc các lĩnh vực hoàn toàn mang tính địa phương nhưng phải xin phê duyệt hoặc quyết định từ Chính phủ hoặc các bộ. Điều này dẫn đến chậm trễ, gây ùn tắc không chỉ với ngành, lĩnh vực đó mà còn ảnh hưởng dây chuyền nhiều lĩnh vực lân cận, giáp ranh.
Với tám lĩnh vực được phân cấp, trong đó có những nội dung phân cấp khá mạnh, mang tính quyết định về cả nội dung quản lý và thẩm quyền quản lý cho TP. Có thể kể đến như ban hành chính sách hỗ trợ đảm bảo tính chất đặc thù của TP đối với doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức khoa học và công nghệ; quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương…
Đáng chú ý, việc được quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, vừa đảm bảo phù hợp với đặc thù TP, vừa không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có.
Hay quyết định chỉ tiêu và tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương... đã tạo thêm động lực mới cho khơi thông nguồn lực, góp phần thông suốt trong quản lý, điều hành của TP.HCM.
Việc phân cấp “từ dưới lên” sẽ là cách để đạt được sự phân cấp tối đa từ Trung ương cho TP.HCM như tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo.
Để phân cấp mang tính đặc thù nhiều hơn
Thực tiễn pháp lý hiện nay tại TP.HCM đang đặt ra trong nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 98 và Nghị quyết về chính quyền đô thị là đeo bám và đề xuất Trung ương ban hành thêm nhiều nghị định phân cấp mới. Do đó, nếu kết hợp, ban hành đồng thời trong Nghị định 84 thì sẽ tranh thủ và tránh được sự lãng phí chính sách phân cấp của Trung ương.
Ngoài ra, mặc dù phân cấp mạnh hơn nhưng các nội dung phân cấp của Nghị định 84 chưa phải là vấn đề mang tính đặc thù của TP.HCM. Chẳng hạn những vướng mắc về đầu tư, tài chính, ngân sách, quy hoạch, xây dựng, giáo dục... đều là những vướng mắc chung khi áp dụng các luật chuyên ngành cho các địa phương chứ không riêng gì TP.HCM. Vì vậy, việc phân cấp cho TP.HCM cần bổ sung thêm các lĩnh vực đặc trưng của TP.HCM hiện đang vướng mắc.
Vì là nghị định thí điểm, phải được tổng kết đồng thời với quá trình tổng kết Nghị quyết 98 nên việc thực hiện tốt các nội dung phân cấp lần này sẽ có ý nghĩa trong việc đẩy mạnh hơn một bước của quá trình hoàn thiện thể chế đặc thù và chính quyền đô thị TP.HCM.
Điều mong đợi là sau Nghị quyết 98 và sau Nghị định 84 sẽ là một văn bản có tính quy mô hơn và vững chắc hơn dưới góc độ pháp lý. Còn dưới góc nhìn chiến lược thì nên có những thay đổi về phương pháp chuyển giao.
Nên chăng, sau Nghị định 84 hoặc đồng thời với Nghị định 84 này có một thí điểm phân cấp sâu theo mô hình “từ dưới lên” trên một ngành, lĩnh vực thay vì vẫn theo cách cũ “từ trên xuống” dàn hàng ngang trên nhiều ngành, lĩnh vực như hiện nay.
Với cách phân cấp “từ dưới lên” thực chất sẽ là cách để đạt được sự “phân cấp tối đa” như tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo.•
Tiếp tục phân cấp các lĩnh vực đang là điểm nghẽn
Trong bối cảnh cần phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn trên nhiều phương diện thì Nghị định 84 dường như vẫn chưa đạt được tính quy mô như mong đợi.
Vào thời điểm 20 năm trước, Nghị định 93/2001 là một thành tựu lớn trong cơ chế chuyển giao ở nước ta. Đặc biệt với TP.HCM, đó là một mốc son trong bước đầu của hành trình thể hiện sự chủ động, sáng tạo và tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao của chính quyền TP trong điều hành, quản trị.
Hiện nay một số nội dung phân cấp của Nghị định 93 đã được luật hóa trong các luật chuyên ngành. Việc bãi bỏ nghị định này và ban hành một văn bản mới về phân quyền, phân cấp là một quá trình tịnh tiến tự nhiên được đặt ra bởi yêu cầu thực tiễn quản trị đô thị nói chung và đô thị TP.HCM nói riêng.
Dù vậy, Nghị định 84 vẫn chưa thoát ly tính nhỏ, lẻ trong quan điểm phân cấp của thời kỳ trước. Do đó, khi chính sách phân cấp, phân quyền đang được đẩy mạnh đặc biệt tại TP.HCM thì nghị định này nên là nghị định hoàn toàn mới, bao quát được các lĩnh vực cần phân cấp vốn đang là điểm nghẽn của TP.
(*) Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường ĐH Luật TP.HCM.