Chiều 2-7, Bộ Nội vụ tổ chức cuộc hội thảo về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.
Đã phân cấp nhưng vẫn còn xin, cho
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ, qua ba năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Chính phủ, việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã mạnh mẽ hơn, nhất là đối với TP.HCM; việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương đang từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, các quy định về phân cấp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần được hoàn thiện. Đáng chú ý là việc phân cấp đồng loạt và đại trà, tất cả địa phương thực hiện chung một cơ chế, chính sách mà không phân biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội. Phân cấp nhưng địa phương lại không được phân quyền chủ động trong việc điều tiết ngân sách đã làm hạn chế việc phát triển kinh tế-xã hội chung…
Cạnh đó, cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, chưa có chế tài. Phân cấp nhưng chưa đồng bộ với phân quyền, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức xin ý kiến, chấp thuận, cho phép...
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Nội vụ đề xuất định hướng thời gian tới cần thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với khả năng tự cân đối về ngân sách, điều kiện phát triển của các địa phương, vùng, miền và đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo. Đồng thời gắn với đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, việc phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã mạnh mẽ hơn, nhất là đối với TP.HCM. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong một buổi họp về sự đột phá trong CCHC năm 2019. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chống lạm quyền và đùn đẩy
Liên quan đến một số giải pháp chủ yếu để thực hiện phân cấp, phân quyền, Bộ Nội vụ cho rằng cần tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, cần tăng cường phân cấp cho những địa phương tự cân đối ngân sách để tăng tính chủ động theo lãnh thổ.
Ngoài ra, nhằm chống lạm quyền thì cần tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương. Việc này để bảo đảm không làm giảm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên trong quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Đối với những vấn đề đã phân cấp, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện; các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi thực hiện sai thẩm quyền, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới trong việc thực hiện các nội dung phân cấp…
“Phân cấp phải gắn với trao quyền quyết định. Theo đó, phải xóa bỏ hoàn toàn các thủ tục như chấp thuận, cho ý kiến, cho chủ trương… nhằm đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước” - báo cáo của Bộ Nội vụ nêu rõ. Cụ thể, đối với những nội dung đã được phân cấp, cơ quan cấp trên không làm thay hay can thiệp sâu vào quá trình ra quyết định của cấp dưới mà chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, giám sát, kiểm tra việc cấp dưới thực hiện. Ngược lại, cấp dưới có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ đã được phân cấp và không được đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên...